Chuyên gia này đã làm chết cả gia đình mình và gây tai họa cho hàng xóm.
Từ tài xế thành… “chuyên gia” khói lửa!Ông Quý (SN 1963, em kế ông Phương) cho biết, ông Phương là con đầu trong gia đình có 9 người con.
Vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của gia đình ông Phương và 2 hộ lân cận, mỗi gia đình 2 nạn nhân. Ông Quý kể, trước đây hai anh em từng có thời gian làm tài xế chung với nhau và gắn bó trên tuyến đường Đà Lạt - TPHCM. Lái xe được một thời gian, ông Phương chuyển sang lĩnh vực nghệ thuật.
Ông Quý không nhớ rõ người anh của mình bước vào con đường “khói lửa” từ bao lâu, nhưng chỉ nhớ rằng, đến năm 1992, ông Phương đã không còn làm tài xế. Từ lúc còn làm tài xế, ông Phương đã thể hiện là một người đàn ông lãng tử và đam mê trong lĩnh vực điện ảnh... và rồi lại vào nghiệp làm “khói lửa” cho các bộ phim.
Cũng theo gia đình nạn nhân, ông Phương còn có 2 người con gái của vợ trước - hiện đang định cư tại Mỹ - cũng đang trên đường về Việt Nam chịu tang cha. Ngày 25.2, thi thể 6 nạn nhân trong gia đình ông Phương được đưa về chùa Vĩnh Nghiêm để an táng, cách hiện trường vụ nổ khoảng 70m.
Đừng để tái diễn vụ Phương “khói lửa”!“Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” ban hành năm 2011 quy định rất rõ ràng, cụ thể về đối tượng, mục đích, cách thức sử dụng chất nổ. Nhưng bản thân ông “chuyên gia” khói lửa đã không thực hiện và có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Đó là, nguồn gốc vật liệu nổ của ông Phương có xuất xứ không rõ ràng.
Theo thông tin từ các đồng nghiệp trong hãng phim ông Phương làm giám đốc, những vật liệu nổ ông Phương mua chủ yếu từ chợ hóa chất Kim Biên. Sau khi mua về, ông tiến hành pha trộn để tạo ra loại vật liệu nổ, cháy theo yêu cầu của kịch bản phim. Nghiêm trọng hơn cả, đó là nơi tàng trữ vật liệu nổ của ông Phương không đảm bảo an toàn, yêu cầu của pháp luật quy định. Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều vỏ đầu đạn được tháo ra để lấy thuốc nổ.
Theo thông lệ của các chuyên gia tạo hiệu ứng khói lửa cho các đoàn làm phim, thì sau khi dùng đủ vật liệu nổ cho việc dàn dựng thì phần chất nổ thừa phải được tiêu hủy ngay sau đó. Công việc pha trộn chất nổ, chất cháy cũng phải được tiến hành tại nơi an toàn, xa khu dân cư. Người tiến hành pha trộn, gắn kíp, vận hành cũng phải có đầy đủ bằng cấp chuyên môn được pháp luật công nhận.
Qua vụ nổ, dư luận đang bức xúc đối với vụ nổ này, đó là tại sao ông Phương “khói lửa” mang nhiều vật liệu nổ và cả vũ khí về ngôi nhà ông thuê ngay khu dân cư đông đúc để “chế tạo”... “bom” một cách “hoành tráng” như vậy? Cho dù phục vụ công tác nghệ thuật đi nữa, nhưng đối với vật liệu nổ và vũ khí, phải có nơi, có chỗ để làm, chứ không thể làm ngay tại khu dân cư như vậy được. Không những ông Phương “khói lửa” bất cẩn, mà chính ông đã coi thường mạng sống của mình cũng như cả gia đình, vợ, con mình và hàng xóm, khu dân cư.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với 11 người chết và 3 người bị thương là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi nơi về công tác quản lý cũng như chính bản thân những người đang làm việc với vật liệu dễ gây nổ, cháy. Đây là bài học xương máu cho công tác quản lý vật liệu nổ và vũ khí tại các khu dân cư.
Nơi ông Phương “khói lửa” cất trữ vật liệu nổ lại chính là ngôi nhà ông thuê, trong lòng khu dân cư đông đúc. Mặc dù chưa xác minh được ông Phương có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn về sử dụng chất nổ hay không, nhưng theo quy định của pháp lệnh, thì người sử dụng thuốc nổ phải có những bằng cấp, chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền cấp. Vật liệu ông Phương dùng phải là vật liệu nổ công nghiệp (dùng cho dân sinh, kinh tế... phi quân sự), nhưng ông lại dùng vật liệu là chất nổ quân sự được tháo ra từ các đầu đạn cũ là vi phạm nghiêm trọng.