Ngày 28-2, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tổ chức họp báo về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hai phương án định giá đất
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển, Nhà nước chưa thể “buông” giá đất theo thị trường bởi thị trường hiện còn nhiều bất ổn, giao dịch về đất đai chủ yếu là giao dịch ngầm. Ông Hiển lấy dẫn chứng về giá đất ở một vài nơi của nước ta tương đương giá đất của thủ đô Tokyo (Nhật Bản) trong khi mặt bằng thu nhập chung còn thấp thì liệu có phản ánh đúng giá thị trường. “Nhà nước vẫn quản lý về giá nhưng sẽ không làm theo kiểu cũ mà sẽ học hỏi cách thế giới đang làm” - ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc xây dựng bảng giá đất và áp dụng bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành sẽ thực hiện theo 2 phương án. Phương án thứ nhất, sử dụng bảng giá đất do UBND cấp tỉnh trình HĐND, khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20% so với bảng giá đất và thời gian tăng hoặc giảm liên tục từ 60 ngày trở lên thì UBND điều chỉnh và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Với phương án này, khi điều chỉnh bảng giá đất cao hơn mà không điều chỉnh thuế thì sẽ dồn gánh nặng lên người phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Phương án thứ hai, bảng giá đất sẽ được xây dựng theo định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ. Bảng giá, thuế, phí ổn định thì dù Nhà nước có chịu thiệt khi biến động giá cả nhưng quyền lợi người dân được bảo đảm và nhiều ý kiến đã nghiêng về phương án này. Tuy nhiên, thời hạn điều chỉnh kéo dài sẽ dẫn tới những bất cập về giá đất như giá lỗi thời so với thị trường.
Thu đất dự án “treo” phải qua HĐND
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết việc thu hồi đất trong các dự án “treo” trước đây đã quy định rõ chế tài, trong đó quy định đền bù giá trị đất cho chủ đầu tư. Dự luật lần này xác định rõ dự án nào mới chỉ có chủ trương đầu tư mà chưa giao thuê đất thì sau 3 năm không thực hiện sẽ bị hủy bỏ. Đối với những dự án đã triển khai sau 12 tháng không thực hiện và dự án chưa triển khai được nới rộng sau 24 tháng không thực hiện sẽ bị thu hồi đất. Ngoài ra, một điểm mới nữa là dự luật quy định các dự án “treo” chỉ được gia hạn một lần, tối đa là 12 tháng, thay cho luật trước đây không quy định gia hạn bao nhiêu lần.
Cũng theo dự luật, trường hợp nhà đầu tư tự thấy không đủ năng lực thực hiện dự án và trả đất trước thời điểm gia hạn thì Nhà nước sẽ có phương án thanh toán bồi hoàn. Nếu chủ đầu tư cố tình chây ì, giữ dự án khi đã quá hạn thì bắt buộc bị thu hồi và không được hưởng bồi hoàn. Để khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết bước tiến trong dự luật lần này là thẩm quyền thu hồi đất được lập ra hằng năm phải qua HĐND xem xét, thay vì UBND như trước đây.
Quy hoạch đất truớc quy hoạch ngành Trước thực tế quy hoạch ngành và quy hoạch đất đai tại các địa phương chưa đồng bộ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ quy hoạch ngành phải dựa trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước, là cơ sở phân bổ cho các ngành. Ngoài ra, trước đây quy hoạch sử dụng đất chủ yếu ở cấp tỉnh; lần này trong luật quy định rõ phải có quy hoạch đất theo vùng, sau đó gộp thành quy hoạch đất quốc gia để có cái nhìn tổng thể về việc phân bố đất ở các địa phương. |
CẦN THỐNG NHẤT MỘT CƠ CHẾ THU HỒI ĐẤT TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI Trong luật Đất đai 2003 có 2 cơ chế thu hồi đất, cơ chế thứ nhất là do nhà nước đứng ra thu hồi đất, tiến hành giải phóng mặt bằng. Cơ chế thứ hai là doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân trong thu hồi đất, bồi thường. Đất đai hiện nay thuộc sở hữu tòan dân do nhà nước thống nhất quản lý, trong khi đó lại giao cho doanh nghiệp tư nhân tự thỏa thuận với người dân trong thu hồi đất, sau đó Nhà nước làm thủ tục giao đất hoặc cho thuê đất đối với các doanh nghiệp.Đây chính là điều bất cập trong cơ chế chính sách, dẫn đến người dân khiếu kiệnđông người kéo dài trong những năm qua, đến nay cũng chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện nay hàng năm các địa phương xây dựng giá đất phục vụ cho hai mục đích là giá đền bù cho thu hồi đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương và cũng là giá khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Khi áp dụng cho đền bù thì người dân kêu là giá đền bù quá thấp phải theo giá thị trường, khi giao đất có thu tiền sử dụng đất cũng là giá đó, thì người dân cho rằng giá quá cao không có khả năng nộp đề nghị nhà nước xem xét miễn giảm. Về giá đền bù đây là vấn đề nhạy cảm người bị thu hồi đất thắc mắc khiếu nại rất nhiều , người dân không hiểu khi thu hồi đất có nhiều lọai đất khác nhau như đất khu dân cư , đất nông nghiệp , đất rừng sản xuất vv…do vậy giá đền bù các lọai đất khác nhau .Các địa phương cũng rất khó khăn trong việc vận động tuyên truyền với các hộ dân bị thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế ở địa phương; vì nếu dự án địa phương thu hồi theo quy định pháp luật thì áp giá đền bù theo giá đất hàng năm được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua , còn các dự án khác do các doanh nghiệp chủ đầu tư thì theo giá thỏa thuận với người dân , do đó trên khu vực đất gần nhau nhà nước thu hồi làm công trình công cộng thì giá thấp hơn do các tổ chức khác thỏa thuận , vì vậy các hộ thắc mắc . Qua các đơn khiếu nại về đất đai người dân đòi hỏi phải công bằng và đề nghị đền bù phải theo giá thị trường, tuy nhiên, làm thế nào để xác định được giá thị trường và làm thế nào để xác định "sát với giá thị trường" là điều không đơn giản , đây là vấn đề khó, chính vì vậy mấy năm qua các địa phương vấp phải không giải thích thuyết phục được với các hộ dân , liên tục gửi đơn vượt cấp. Về giá đền bù do nhà nước thu hồi đất , đất đai hiện nay thuộc sở hữu tòan dân do Nhà nước thống nhất quản lý , hiện nay Nhà nước chưa giao quyền sở hữu đất đai cho hộ gia đình, cá nhân, mới giao quyền sở hữu nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân, do vậy nước ta mới có khái niệm thị trường bất động sản chứ chưa có khái niệm thị trường về đất đai, như vậy làm sao xác định giá thị trường đất đai? Chính vì vậy Chính phủ nên tiếp tục quy định khung giá đền bù chung cho cả nước, hoặc ủy quyền UBND các tỉnh ,thành phố trực thuộc trung ương xây dựng giá đất. Trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng vận dụng, xây dựng giá phù hợp với tình hình thực tế của địa phương sát với giá thị trường, trình hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để triển khai thực hiện áp dụng thời gian từ 3 năm trở lên để mang tính ổn định lâu dài để triển khai một dự án lớn, nếu hàng năm phải điều chỉnh giá đất như hiện nay, thì người nhận đền bù trước sẽ khiếu kiện vì người nhận đền bù năm sau giá đền bù sẽ cao hơn năm trước. MINH TRÍ