Sỏi hình thành từ... 20 năm
Bệnh nhân N. cho biết ông được phát hiện sỏi từ 20 năm trước nhưng tự điều trị bằng thuốc nam. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau và bí tiểu. BS Bùi Hoàng Thảo, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) - người trực tiếp mổ cho bệnh nhân, cho biết đài bể thận giãn to do kích thước sỏi đã quá lớn. Nếu không phẫu thuật thì nguy cơ bệnh nhân bị suy thận và mất chức năng của thận. Trước khi phẫu thuật lấy sỏi, bệnh nhân đã được tán sỏi nội soi niệu quản phải.
Theo BS Thảo, bệnh nhân được phát hiện sỏi thận thường trong độ tuổi 30-50, nhiều trường hợp chỉ ở tuổi 18-26. Thậm chí, tại BV có những bệnh nhân chỉ 6-7 tuổi đã bị sỏi niệu quản phải phẫu thuật. Nguyên nhân hình thành sỏi do cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, thông thường là do sự lắng đọng những chất có thể hòa tan trong nước tiểu, kết tinh thành sỏi trong thận. Các sỏi này trước tiên hình thành ở thận gọi là sỏi thận, một số trường hợp sỏi từ thận di chuyển xuống thấp, lọt vào đường tiết niệu gây sỏi niệu quản. Bệnh này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều hậu quả xấu cho cơ thể.
BV Đa khoa Xanh Pôn cũng đang điều trị cho bệnh nhân nam 18 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng thắt lưng. Qua siêu âm chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có sỏi hai bên, trong đó ở niệu quản phải có viên khá lớn gây tắc niệu đạo, bí tiểu. “Với bệnh nhân này, không thể tán sỏi ngoài cơ thể mà phải áp dụng kỹ thuật tán sỏi nội soi bằng tia laser” - BS Thảo nói.
Để lâu gây nhiều biến chứng
BS Phạm Huy Huyên, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tiết niệu BV Đa khoa Xanh Pôn, cho biết sỏi ở vị trí nào, kích thước nào cũng có thể can thiệp và nên được can thiệp sớm khi sỏi nhỏ. Các phương pháp điều trị thường là tán sỏi nội soi ngược dòng, tán sỏi ngoài cơ thể qua da. Hai phương pháp này không gây đau đớn, có thể ổn định sau 2-3 ngày. Nếu để muộn, sỏi có kích thước lớn làm biến đổi cấu trúc của thận, thận bị giãn to sẽ phải can thiệp bằng mổ mở, làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng, lâu bình phục. Hơn nữa, sỏi là ổ chứa vi khuẩn, rất dễ gây viêm nhiễm, ứ mủ, gây nhiễm trùng bể thận..., đe dọa tính mạng người bệnh.
Khi để sỏi to, chúng sẽ cọ xát vào đường niệu dẫn đến nguy cơ niêm mạc bị phù nề, viêm, là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm đường tiểu. Nếu nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Thậm chí nếu thận viêm nhiễm, có mủ toàn diện sẽ phải cắt bỏ. Chưa kể tình trạng bế tắc đường tiểu làm ứ đọng nước tiểu gây viêm nhiễm, lâu ngày dẫn đến xơ hóa thành đường tiểu, kể cả đài thận. Đã có những trường hợp vỡ thận và vỡ bàng quang do sỏi.
Cũng theo BS Huyên, một trong những kỹ thuật tán sỏi mà BV này vừa triển khai là tán sỏi qua da bằng laser đường hầm nhỏ. Với kỹ thuật này, phẫu thuật viên sẽ mở một “đường hầm” đi qua da thắt lưng tiếp cận đến viên sỏi thận, sau đó dùng máy nội soi tán sỏi bằng tia laser. Viên sỏi sẽ được “phá vỡ” thành những viên nhỏ và được lấy ra ngoài.
Với những người chỉ còn một quả thận do bệnh lý, khi bị sỏi nên đi khám chuyên khoa để được can thiệp sớm, tránh nguy cơ hỏng quả thận còn lại.
Hơn 50% người bệnh bị tái phát
Theo giới chuyên môn, hơn 50% số người đã từng mắc sỏi thận sẽ bị tái phát. Vì vậy, cách tốt nhất là phòng ngừa, như thay đổi lối sống, đặc biệt là khẩu phần ăn và thói quen tập thể dục. Những người đã từng bị sỏi thận nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, nếu đã bị sỏi canxi, cần giảm lượng thức ăn chứa nhiều oxalate, canxi. Do yếu tố cơ địa nên sỏi thận thường xuất hiện trở lại, vì thế nên khám định kỳ 3-6 tháng sau phẫu thuật để nếu phát hiện sỏi mới thì được xử lý sớm.
Nguồn tin: NLĐ Online