“Quần đảo Tây Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Việc triển khai các cơ sở quốc phòng của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình là hợp lý và hợp pháp”, người phát ngôn Hồng Lỗi ngang ngược phát biểu, theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Tây Sa là cách gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị nước này chiếm đóng.
Tháng 2.2016, Bắc Kinh triển khai tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, lắp đặt hệ thống radar cũng như điều chiến đấu cơ đến hòn đảo này. Tuần trước, truyền thông quốc tế dẫn một số hình ảnh cho rằng Trung Quốc đã bắn thử tên lửa diệt hạm loại YJ-62 từ đảo Phú Lâm.
Việc làm của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (đang bị Trung Quốc chiếm đóng) mà còn đe dọa an ninh của khu vực. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn ngang ngược nói rằng “không có vấn đề gì liên quan đến cái gọi là quân sự hóa”.
"Trong khi việc triển khai tên lửa phòng không đã là chuyện lớn thì việc phóng tên lửa diệt hạm YJ-62 thực sự là hành động tiếp theo đáng lo ngại, cho thấy khả năng phòng thủ của Trung Quốc", Chris Carlson, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và là nhà phân tích hải quân, nói với trang tin USNI News của Hải quân Mỹ.
"Theo quan điểm của tôi, những gì Trung Quốc đã làm cho thấy rõ rằng bất kỳ sự cố gắng xâm nhập nào bằng đường hàng không hoặc trên biển vào khu vực Biển Đông sẽ đối mặt với hệ thống phòng thủ của Bắc Kinh", ông này nói tiếp.
Việt Nam đã gửi công hàm phản đối việc triển khai tên lửa của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm. Mỹ và nhiều nước cũng bày tỏ sự quan ngại trước hành động cấp tập quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Minh Quang