Biển Đông nóng: Tàu Trung Quốc hoạt động bất thường

Thứ hai - 07/07/2014 04:40 704 0
Hoạt động cản phá của các tàu Trung Quốc có vẻ khá bất thường khi diễn ra cả trong những giờ tàu hai phía tạm dừng nghỉ ngơi.

Tàu Trung Quốc tăng tốc độ, hú còi...

Ngày 5/7, các tàu Trung Quốc đã đồng loạt tăng tốc độ, hú còi và áp sát để ngăn cản quyết liệt không cho các tàu kiểm ngư cơ động vào gần giàn khoan Hải Dương-981 hạ đạt trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ngày 5/7, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì từ 110-115 tàu các loại, trong đó có 46-47 tàu hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 14-15 tàu kéo, 32-34 tàu cá vỏ sắt và 5 tàu quân sự để bảo vệ quanh khu vực giàn khoan Hải Dương- 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Cụ thể, lúc 11h30, ngay khi mọi người đang tập trung ăn trưa thì ở trên cabin buồng lái, tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003 đã phát hiện Trung Quốc cử thêm một tốp 3 tàu ra tiếp cận ở khoảng cách gần, chỉ cách tàu CSB8003 khoảng 3 hải lý (khoảng 5,5km). Vòng trong xa hơn một chút có 5-6 tàu trong một tốp đang dàn hàng ngang.

Đến 11h35, một tàu hải cảnh rất lớn hú còi, chĩa mũi tàu hướng về phía 2 tàu kiểm ngư Việt Nam. Năm phút sau, 7 tàu Trung Quốc đồng loạt lao ra truy cản đội hình các tàu Việt Nam.

Tàu CSB8003 phát hiện nhóm 3 tàu cách mình 3 hải lý có sự thay đổi đội hình. Một tàu hải cảnh bắt đầu tách khỏi biên đội, chạy vòng ra phía sau lái và một tàu hải cảnh khác thì đang cơ động với tốc độ nhỏ (tránh cho tàu Việt Nam phát hiện) về phía trước nhằm mục đích sẽ cắt mũi tàu CSB8003.

Tàu Trung Quốc (phải) áp sát tàu Việt Nam quanh khu vực giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam
Tàu Trung Quốc (phải) áp sát tàu Việt Nam quanh khu vực giàn khoan Hải Dương- 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam

Trong khi đó, chiếc tàu Trung Quốc ở giữa đội hình hàng ngang này thì đứng im. Như vậy, ý đồ của Trung Quốc là định chạy cắt mũi, bọc sau lái để vây tàu CSB8003 ở giữa.

Ở bên mạn phải của tàu CSB8003, phóng viên quan sát thấy tàu kéo 281 của Trung Quốc đang tăng tốc rẽ sóng rượt theo tàu CSB4034 là tàu mới ra thực địa hoạt động chung với nhóm tàu CSB8003 và tàu kiểm ngư ở hướng nam tây nam giàn khoan.

Sau khi truy cản khoảng 15 phút, các tàu Trung Quốc mới quay về tập trung gần giàn khoan. Đến 16h45, khi cách giàn khoan khoảng 11 hải lý, các tàu Trung Quốc lại tổ chức đội hình 6-7 chiếc lao ra ngăn cản các tàu thực thi pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, vào buổi tối cũng ghi nhận ở khu vực giàn khoan xuất hiện nhiều máy bay với tần suất hoạt động khá dày, cứ cách mấy chục phút lại xuất hiện một lần.

Trung Quốc ngang ngược xây dựng kho dữ liệu biển đảo ở Hoàng Sa

Không những thế, gần đây, Trung Quốc vẫn tiếp tục có thêm những động thái khiến tình hình gia tăng căng thẳng.

Tiếp sau việc ngang nhiên công bố bản đồ khổ dọc “nuốt trọn” Biển Đông, đưa toàn bộ Biển Đông vào khu vực cảnh báo bão, thì mới đây Bắc Kinh lại tuyên bố hoàn thành việc xây dựng kho dữ liệu biển đảo ở quần đảo Hoàng Sa, đưa phao tiêu phát sáng ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa phục vụ công tác tuần tra hàng hải, phối hợp với công ty dầu khí nước ngoài ký hợp đồng phân chia sản phẩm ở Biển Đông.

Biển Đông nóng: Trung Quốc chuyển động theo động thái của Mỹ?

 

Ngày 4/7, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc công bố thông tin: Trung Quốc đã hoàn thành kho hồ sơ dữ liệu biển đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Đài này dẫn thông tin từ Tổng đội Hải giám tỉnh Hải Nam cho biết, từ tháng 4/2014, lực lượng Hải Giám Trung Quốc đã phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành điều tra thực tế đối với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp của Việt Nam, tiến hành thu thập các số liệu về điều kiện sống và điều kiện sản xuất trên các đảo nói trên, sau đó hình thành một kho dữ liệu chung, nhằm chia sẻ thông tin cho các cơ quan chức năng của Trung Quốc nghiên cứu sử dụng.

Trước đó, ngày 2/7, Bộ giao thông vận tải Trung Quốc cũng đã tổ chức đưa 4 phao tiêu phát sáng ra đảo Phú Lâm để phục vụ cái gọi là “tuần tra hàng hải” trong vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc ngày càng có những hành động khiêu khích, hung hãn trên Biển Đông
Trung Quốc ngày càng có những hành động khiêu khích, hung hãn trên Biển Đông

Đặc biệt, báo chí nước này còn tiết lộ thông tin Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vừa ký hợp đồng với Công ty ENI của Italy về việc phân chia sản phẩm đối với một lô dầu khí tại Biển Đông. Hợp đồng mà Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc ký với công ty ENI là hợp đồng phân chia sản phẩm, có diện tích khai thác là 2.000 km2, thời gian thăm dò khai thác là 6 năm rưỡi.

Việt Nam nên kiện TQ ra Tòa Công lý quốc tế

Trước những hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian qua, đặc biệt là tấm bản đồ "nuốt trọn" Biển Đông của Trung Quốc, bạn bè quốc tế đã nhiều lần lên tiếng phản đối gay gắt quốc gia này.

GS Jerome Cohen thuộc Trường Luật - Đại học New York (Mỹ), một học giả uy tín về luật pháp quốc tế, đặc biệt về những vấn đề liên quan Trung Quốc đã khuyên Việt Nam đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế bất chấp Trung Quốc có thể từ chối tham gia vụ kiện.

Nó chứng tỏ cam kết của Việt Nam đối với luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Ông bày tỏ hy vọng Tòa Trọng tài quốc tế, nếu đồng ý thụ lý vụ việc, có thể làm sáng tỏ một số điều khoản quan trọng trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Tòa Trọng tài có thể xác định rõ cấp độ nào những yêu sách mang tính lịch sử mơ hồ của Trung Quốc tồn tại được trước UNCLOS, cũng như tiêu chuẩn hợp thức để phân biệt chính xác giữa một hòn đảo (đủ điều kiện tự nhiên cho con người sinh sống, có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và một bãi đá là gì.

GS Cohen nói rằng, Việt Nam có thể lựa chọn cùng tham gia vụ kiện với Philippines hoặc tự đưa vụ việc ra trọng tài UNCLOS. Trường hợp Việt Nam muốn đòi lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, cần phải đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế.

Cho dù Trung Quốc từ chối tham gia, Việt Nam vẫn có lợi nhờ chứng tỏ với thế giới mong muốn và sự chân thành của mình về việc giải quyết hòa bình, công bằng. GS Cohen cho rằng, sự chân thành của Việt Nam thậm chí càng trở nên nổi bật hơn.

Bên cạnh đó, TS Patrick Cronin ở Trung tâm An ninh Mỹ Mới cũng nói: “Luật pháp dựa trên ba yếu tố: tính có thể dự đoán hay tính tin cậy, sự minh bạch và sự công bằng. Tuy nhiên, đó lại không phải mục tiêu của Trung Quốc”. Ông Cronin vạch rõ, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách hăm dọa ở Biển Đông.

Nhằm đối phó chính sách sử dụng hăm dọa của Trung Quốc, TS Cronin đề xuất 5 ưu tiên chính sách. Thứ nhất, Mỹ và Việt Nam nên phát triển những chiến lược gây phí tổn để ngăn Trung Quốc.

Thứ hai, Mỹ và Việt Nam nên tập trận song phương thường xuyên. Thứ ba, Mỹ có thể ủng hộ cơ chế đối thoại an ninh ba bên Việt Nam, Malaysia và Philippines. Thứ tư, Mỹ nên bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.

Thứ năm, Mỹ nên gây áp lực với tất cả các thành viên khối ASEAN ủng hộ những quy tắc đặc thù nhằm duy trì trật tự, an ninh biển và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Việt Nam đề nghị LHQ lưu hành văn bản phản đối TQ

Trong một diễn biến khác, hôm 3/7, Đại sứ Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tiếp tục gửi thư lên Tổng thư ký Ban Ki-moon, đề nghị lưu hành hai văn bản trên như những tài liệu chính thức của Đại hội đồng LHQ khóa 68, thông cáo của Bô Ngoại giao cho biết.

Hai văn bản nêu ra lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ các yêu sách không có cơ sở pháp lý và lịch sử của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo này.

Trung Quốc thú nhận hành vi sai trái trên Biển Đông

 

Về việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam, tài liệu nhấn mạnh rằng Việt Nam bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp lý các luận cứ của Trung Quốc nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22/5 và ngày 9/6 của đại biện phái đoàn đại diện thường trực Trung Quốc gửi Tổng thư ký LHQ.

Đại sứ Trương Mạnh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Séc Lubomír Zaorálek tại cuộc gặp ngày 3/7 ở Prague
Đại sứ Trương Mạnh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Séc Lubomír Zaorálek tại cuộc gặp ngày 3/7 ở Prague

Việt Nam khẳng định tình hình căng thẳng hiện nay xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà tại đó Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Các hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm quy định cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế mà còn là hành động vô nhân đạo đối với những người đi biển.

Về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tài liệu nêu rõ Việt Nam hoàn toàn bác bỏ, cả trên thực tế cũng như pháp lý, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là "Tây Sa") nêu trong văn bản của đại biện phái đoàn đại diện thường trực Trung Quốc gửi Tổng thư ký LHQ, đồng thời khẳng định rằng các yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và lịch sử.

Việt Nam đã cung cấp công khai các tài liệu lịch sử xác thực cho thấy Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ.

Đồng thời, Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề quần đảo Hoàng Sa.

Đây là lần thứ tư Việt Nam gửi thư đề nghị Tổng thư ký Ban Ki-moon lưu hành các tài liệu của Việt Nam liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Cũng trong ngày 3/7, trong cuộc gặp gỡ làm việc tại Prague với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Trương Mạnh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Lubomír Zaorálek đã bày tỏ lập trường của Cộng hòa Séc là không ủng hộ việc dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

Thảo Chi (Tổng hợp)

Nguồn tin: baodatviet

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay7,123
  • Tháng hiện tại58,581
  • Tổng lượt truy cập41,126,384
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây