Điều đáng nói là các nhận định, dự báo được đưa ra cho thấy một bức tranh kinh tế... không biết đâu mà lần.
Đơn cử, kết quả khảo sát về Chỉ số niềm tin kinh doanh quý III/2013 do Công ty Dịch vụ Thông tin Tài Chính WVB Việt Nam (WVB FISL) thực hiện từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10/2013 cho thấy, mức độ lạc quan của DN đối với tình hình kinh tế hiện tại đã giảm so với quý trước. Cụ thể, theo khảo sát của WVB FISL, số DN lạc quan về tình hình kinh tế hiện tại đã giảm từ mức 58% của quý II/2013 xuống còn 50% trong quý III/2013, trong khi số DN bi quan lại tăng từ 8% lên 15%.
Dự báo được đưa ra cho thấy một bức tranh kinh tế... không biết đâu mà lần.
Điều này dường như khá trái ngược với kết quả khảo sát do HSBC tiến hành. Theo đó, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - trong tháng 10 vẫn duy trì mức 51,5 điểm như tháng 9, mức cao thứ nhì trong lịch sử khảo sát của HSBC. Điều đó cho thấy, sản xuất đang phục hồi tích cực.
Báo cáo Kinh tế vĩ mô và Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 11 của HSBC cũng nhận định: “Những điều tồi tệ nhất về một nền kinh tế trì trệ dường như đã được vượt qua”. Các con số của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, sản xuất công nghiệp đang dần hồi phục, quý sau tăng cao hơn quý trước.
Mang thắc mắc này đi hỏi một chuyên gia thống kê, được biết, kết quả của một cuộc điều tra thống kê phụ thuộc rất lớn vào cách chọn mẫu, quy mô mẫu. Về nguyên tắc, khi quy mô mẫu tăng lên và chọn mẫu đúng cách thức thì sai số chọn mẫu sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, mẫu được chọn phải có tính đại diện, tức là thông tin thu thập trên mẫu có thể suy rộng ra cho tổng thể với một sai số đại diện nhất định.
Mặc dù người viết không có ý định đánh giá về tính đúng - sai, tính chính xác trong cuộc khảo sát của WVB FISL, song đối chiếu lại với các nguyên tắc mà vị chuyên gia thống kê đã nêu ở trên thấy có nhiều vấn đề đáng phải quan tâm. Thứ nhất, số lượng DN tham gia cuộc khảo sát lần này chỉ là 122, một con số quá nhỏ so với khoảng 400.000 DN đang hoạt động hiện nay. Thứ hai, hiện phần đông các DN đều là DNNVV, chiếm tới 90-95% tổng số DN đang hoạt động. Thế nhưng, trong cuộc khảo sát lần này, lượng DN đại diện cho các DNNVV chỉ chiếm hơn một nửa nên khó có thể đảm bảo được tính đại diện.
Càng khó đảm bảo tính đại diện hơn khi đi vào chi tiết từng lĩnh vực, có những lĩnh vực chỉ có một DN tham gia khảo sát như hóa chất, mỹ phẩm hay dệt may, da giày. Thậm chí, có những lĩnh vực không có DN nào tham gia khảo sát như dầu khí, giáo dục, hay y tế. Trong khi, có những lĩnh vực số DN tham gia khá đông như: xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản.
Lẽ đương nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn “bất động” như hiện nay, khối DN này bi quan cũng là điều dễ hiểu. Song, do số lượng chiếm tỷ lệ lớn, nên sự bi quan của khối bất động sản dễ dàng chuyển thành sự bi quan của cả cộng đồng DN…
Rõ ràng, sống trong môi trường thông tin tràn ngập như hiện nay, việc tiếp nhận và xử lý thông tin là vô cùng quan trọng. Thường, dịp cuối năm, sẽ lại có nhiều đánh giá mang tính tổng kết và dự báo, trong đó không thể thiếu các cuộc hội thảo kèm theo các báo cáo đánh giá với mục đích “xa mà gần” là tác động tâm lý các nhà đầu tư và nhằm định hướng cho các cơ quan hoạch định chính sách.
Thế nhưng, với những kết quả từ quá trình thu thập và phân tích trên, thật chẳng biết tin ai… dịp này. Và, nhìn ở một chiều ngược lại có thể tự hỏi: kết quả đánh giá được hình thành để nhằm vào ai (tổ chức, cá nhân) và định hướng dư luận theo mục đích gì?
Thời báo NH