Máu nông dân chảy trong người
Tiếp chúng tôi trong phòng khách có treo hàng chục giấy khen, bằng khen, huy chương các loại, anh Tuấn cho biết năm 2002, tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM ngành công nghệ thông tin và tìm được việc làm ổn định ở một doanh nghiệp nhưng do xuất thân từ một gia đình nông dân trên vùng quê gió cát, cộng với thời sinh viên có dịp về miền Tây giúp bà con trong chương trình mùa hè tình nguyện nên trong lòng anh vẫn cháy bỏng một tình yêu đối với nghề nông, với ruộng đồng. Năm 2005, Tuấn quyết định trở về quê hương cát trắng Tam Hiệp khai hoang vùng đồi núi Thái Xuân làm trang trại.
Ban đầu, với 40 triệu đồng tích lũy được khi đi làm và 20 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, Tuấn xây dựng hệ thống trang trại “tổng hợp” rộng hơn 16.000 m2. Trong đó, 4.000 m2 anh nuôi kỳ nhông, kỳ đà, ba ba, cá. Phần đất còn lại, Tuấn trồng các loại vải, sầu riêng, chuối lùn, xoài, gừng...
Anh đưa chúng tôi đi xem khắp trang trại, nơi này có xây bờ thành hơi thấp là khu vực nuôi 11.000 con nhông bố mẹ, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 30.000 con giống (mỗi con giá 13.000 đồng) và gần 1 tấn nhông thương phẩm, thu lãi trên 600 triệu đồng. Tuấn hiện đã lai tạo được con nhông Bình Thuận với nhông cát trắng Tam Hiệp cho ra giống nhông có năng suất cao, đáp ứng yêu cầu thả nuôi ở các địa phương khí hậu khắc nghiệt như ở miền Trung, đất Quảng. Anh cũng đang đảm nhận tiêu thụ sản phẩm và cung cấp con giống đến các hộ nuôi nhông trong tỉnh và các địa phương khác như An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Huế…
Bên cạnh đó là khu vực có xây thành cao hơn được chia ra làm nhiều ô, đây là nơi Tuấn đang nuôi 30 con kỳ đà bố mẹ có nguồn gốc Đồng Tháp và khoảng 70 con kỳ đà giống. Trong trang trại có 1 ao nuôi ba ba và cá có diện tích hơn 1.000 m2, nuôi 1.000 ba ba bố mẹ và 3.000 ba ba con, gần 5.000 con cá rô phi, điêu hồng, chép lai.
Nặng nợ với quê nghèo
Ngoài thu nhập từ chăn nuôi, với gần 7.000 cây trồng xen kẽ cây ăn quả, mỗi năm anh thu nhập thêm hơn 100 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ 6.500 bụi gừng trồng trong bao để bán dịp Tết Nguyên đán. Hiện trang trại của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Điều đáng nói khác là chàng kỹ sư công nghệ thông tin bỏ máy tính về làm nông còn lấn sân sang lĩnh vực “đào tạo nghề”. Đầu năm 2011, anh được ngành chức năng mời đi tập huấn, hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi nhông, kỳ đà cho hơn 500 nông dân và thanh niên ở Đà Nẵng và Hải Phòng. Anh cũng là giáo viên bộ môn chăn nuôi của Trung tâm Dạy nghề tỉnh Quảng Nam. Với bộ môn mới này, thời gian qua, anh Tuấn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.
Rồi Tuấn thành lập Công ty TNHH MTV Ân Cát. Anh chia sẻ: “Tam Hiệp là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, tôi đặt tên Ân Cát để cảm ơn đồng đất quê nhà đã cho tôi làm nên cơ nghiệp như hôm nay”. Để đền đáp ân tình với quê hương, hằng năm, anh đều tặng tiền, xe đạp và sách vở cho học sinh khó khăn, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, đỡ đầu học sinh nghèo. Ngoài ra, Tuấn còn vận động nhiều thanh niên trong xã ở lại quê nhà lập nghiệp với nghề nuôi nhông. Không chỉ được hỗ trợ từ 300-500 con giống, các thanh niên khởi nghiệp còn được Tuấn hướng dẫn tận tình kỹ thuật phòng bệnh, chăm sóc. Nguyễn Thanh Tuấn tâm sự: “Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng nếu mình đam mê và có quyết tâm thì sẽ
thành công”.
Nhà nông trẻ xuất sắc
Năm 2010, Nguyễn Thanh Tuấn vinh dự được trao giải thưởng Lương Định Của, phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”. Năm 2011, trang trại của Tuấn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vinh danh và nằm trong nhóm 10 trang trại vàng tiêu biểu toàn quốc. Hằng ngày, có nhiều nông dân khắp các vùng đến trang trại của Tuấn tham quan, học hỏi. Anh luôn vui vẻ, tận tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho bà con với mong muốn góp phần mở ra một hướng làm ăn mới cho nông dân các vùng quê nghèo của dải đất miền Trung.
Nguồn tin: NLĐ Online