Vấn đề phân bón lậu, giả, kém chất lượng được các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến tại hội thảo quốc gia “Thực hiện Nghị định 202/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón và chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững”. 

Công nghệ “cuốc xẻng”

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng tình trạng vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh phân bón vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến lợi ích của gần 15 triệu hộ nông dân, gây bức xúc dư luận. Quý I/2014, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, xử lý 88 vụ vi phạm, tịch thu 88.642kg, 153 chai, lọ với các hành vi kinh doanh phân bón giả, lậu, kém chất lượng, quá hạn sử dụng.

Riêng năm 2013, cơ quan này đã kiểm tra 4.689 vụ, phát hiện xử lý 1.483 vụ vi phạm (tăng 31% so với năm 2012), tịch thu 813.881kg, 11.830 gói và 1.165 chai phân bón giả, kém chất lượng. Các địa phương phát hiện nhiều vi phạm chủ yếu tại các tỉnh Nam Bộ như: An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, chiếm 84,1% số vụ vi phạm phân bón kém chất lượng và 80% số vụ vi phạm phân bón giả trên cả nước.

Ông Nguyễn Hạc Thúy – Tổng Thư ký Trung ương Hiệp hội Phân bón VN - cho rằng: “Tình hình phân bón kém chất lượng, giả, nhái nhãn mác chưa được giải quyết tốt. Năm 2008 có gần 100 Cty và tổ hợp sản xuất phân bón kém chất lượng bán tại 31 tỉnh, thành. Năm 2012 – 2013 có 100 cơ sở và trên 40 Cty sản xuất phân bón giả, kém chất lượng bán tại 35 tỉnh, thành, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.

Trong các loại hàng hóa làm giả: Thuốc tây, bánh kẹo, hàng điện tử... thì phân bón dễ làm giả nhất, vì nhiều đơn vị sản xuất áp dụng công nghệ “cuốc xẻng””. Như vậy, không cần đăng ký, chỉ cần máy trộn thủ công, xẻng, đất, bột gạch, đá... làm ra phân bón hốt tiền của dân.

Phân bón thật – giả vẫn mù mờ

Tình trạng tiếp thị, quảng cáo phân bón giả, kém chất lượng được các cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng thực hiện ngay tại đầu bờ ruộng, những chương trình quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, bằng mọi cách tiếp cận bà con nông dân...

Hầu hết bà con nông dân chưa được trang bị kiến thức về phân bón giả, lậu, kém chất lượng. Một ví dụ cụ thể mà ông Nguyễn Khang – TGĐ Cty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang - đưa ra dẫn chứng: “Hiện nay, xuất hiện phân bón thật nhưng chất lượng thấp.

Các cơ sở sản xuất phân bón lấy 50% phân bón chất lượng của các hãng có uy tín, pha trộn với các nguyên liệu khác đóng vào túi với tên “phân trung lượng” bán giá thấp hơn so với phân bón chất lượng chính hãng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Bà con nông dân thấy mẫu mã đẹp mua mà không biết hàng kém chất lượng”.

Người nông dân đang sử dụng tràn lan phân bón đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, hiện có hơn 10.000 loại phân bón khác nhau của nhiều DN, đơn vị sản xuất. Trong khi công tác thanh tra, kiểm tra năng lực còn yếu. Chế tài xử lý kinh doanh, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng chưa đủ mạnh...

Vì vậy, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn nhiều. Theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP, phân bón là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Hiện Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đang gấp rút hoàn thành 2 thông tư hướng dẫn. Từ đó sẽ ban hành quy chuẩn là điều kiện để tiến tới cấp phép cơ sở sản xuất phân bón hợp quy.

Ý kiến bạn đọc
 

CẦN CÓ BIỆN PHÁP CHẾ TÀI NGHIÊM KHẮC ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ CÁC CỬA HÀNG MUA BÁN PHÂN BÓN THUỐC TRỪ SÂU GIẢ Trong thời gian qua, liên tục người nông dân phải mua và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả kém phẩm chất, nhưng các cơ quan có chức năng chưa xử lý triệt để, tình trạng này ở các địa phương vẫn thường xuyên xảy ra, cuối cùng người nông dân phải chịu thiệt thòi nhiều nhất, không biết kêu ai. Nguyên nhân do chế tài xử lý kinh doanh, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng chưa đủ mạnh. Để giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên, cần tập trung chủ yếu vào các cơ sở kinh doanh và cơ sở sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trước tiên, khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh mua bán, nếu phát hiện có tình trạng có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả cần truy tìm nguồn cung cấp, nếu phát hiện do lỗi của cơ sở sản xuất thì cần có chế tài mạnh, cần thiết phải đình chỉ, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh, đồng thời tùy theo mức độ nặng, có nguy hại cho xã hội thì không xử lý hành chính mà có thể chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu phát hiện do lỗi của cơ sở kinh doanh mua bán, cụ thể: Các cơ sở sản xuất phân bón lấy tỷ lệ như 50% phân bón có chất lượng tốt của các hãng có uy tín đem pha trộn với các nguyên liệu khác rồi đóng vào túi với tên “phân trung lượng” bán giá thấp hơn so với phân bón chất lượng chính hãng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thì cũng cần áp dụng biện pháp chế tài như trên, đồng thời yêu cầu phải bồi thường thiệt hại cho người nông dân. Nếu các cơ quan chức năng ở địa phương như quản lý thị trường, chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì chắc chắn tình trạng trên sẽ được khắc phục.