Tuy nhiên về khía cạnh pháp lý, các chuyên gia cho rằng, việc làm có vẻ “linh hoạt” của CSGT Đà Nẵng trong việc xử lý người vi phạm vẫn còn là một câu hỏi cần lời giải đáp.
“Nộp phạt” bằng giọng hát
Trao đổi với Thanh Niên về cách thức “xử phạt” thú vị này, luật sư (LS) Phạm Hoài Nam (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, việc CSGT Đà Nẵng yêu cầu người vi phạm ghi phạt tuy trong quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông không có, nhưng cách thức xử lý của CSGT Đà Nẵng tạo một tiền lệ mới đáng ghi nhận, nhất là đối với sinh viên, những người cần nắm bắt quy định luật pháp để chấp hành nghiêm chỉnh.
Trong vụ việc này, LS Nam kiến nghị Bộ Công an nên cho CSGT thí điểm hình thức xử phạt đó, nếu thấy có hiệu quả thì bổ sung vào luật và triển khai trên phạm vi cả nước vì theo LS này, luật là quy tắc sống của xã hội, nó phải được hình thành từ nhu cầu thực tiễn và cách thức áp dụng, luật cũng phải phù hợp và linh động.
“Hiện nay, ai ai cũng sợ mất thời gian chép vi phạm, còn việc bỏ mấy trăm ngàn đồng để đóng phạt đôi khi lại vô tư hơn, thoải mái hơn.”, LS Nam bày tỏ.
LS Nam dẫn chứng, CSGT một số nước cũng áp dụng hình phạt rất lạ như: ca sĩ TJ Bristol của Mỹ đã từng "nộp phạt" cho Sở Cảnh sát ở California bằng cách rất độc đáo, đó là dùng tiếng hát của mình. Bristol cất giọng hát một dạ khúc cổ điển của Joe Cocker - You Are So Beautiful. Cảnh sát làm cách này để nhắm vào lòng tự tôn của người dân buộc họ nâng cao nhận thức về an toàn giao thông.
Hay cảnh sát tại TP.Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc từng khiến dư luận phản đối dữ dội với quyết định nếu bị bắt gặp sử dụng đèn pha ô tô trong TP, người điều khiển phương tiện sẽ phải ngồi trước xe mình và bị rọi đèn pha vào mắt trong 5 phút.
Một hình thức phạt khác cũng gây tranh cãi không kém khi TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) áp dụng chính sách trị những người vượt đèn đỏ bằng cách người đi bộ bị bắt gặp vượt đèn đỏ sẽ phải đứng nguyên tại hiện trường cho đến khi CSGT phát hiện thêm trường hợp vi phạm khác. Theo họ, việc làm này sẽ làm giảm ùn tắc giao thông.
Hay việc đội mũ xanh tại Trung Quốc là điều cấm kỵ bởi đó là biểu tượng của người bị “cắm sừng” (chỉ người bị vợ/chồng phản bội, ngoại tình - PV). Nhưng người dân tại Louhu, TP.Thâm Quyến, Trung Quốc buộc phải đội mũ này nếu vi phạm Luật Giao thông, vượt đèn đỏ. Bất cứ ai bị bắt vì vượt đèn đỏ sẽ phải đội mũ xanh, mặc áo xanh điều khiển giao thông giữa ngã tư đường.
Theo LS Nam, những ví dụ trên đều là những hình phạt lạ đời nhưng có hiệu quả nhất định. Vì vậy, cần phải cho thí điểm mới biết ở Việt Nam có hiệu quả khi sử dụng hình phạt này hay không.
Không thể tự ý hành xử trái luật
Còn LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến, vụ việc CSGT Đà Nẵng thay vì xử phạt tiền đối với người vi phạm lại bắt người vi phạm chép phạt có thể nói xét về góc độ tình cảm, việc làm của CSGT Đà Nẵng được dư luận ủng hộ bởi hình ảnh gần gũi, thân thiện. Hình ảnh bắt chép phạt đối với sinh viên giúp nhiều người liên tưởng hình ảnh giáo viên phạt học trò chép bài vì lỗi không học thuộc bài trước đây…
Điều này cũng khác với hình ảnh của một vài CSGT quá nặng về xử phạt, mà chưa xây dựng đúng hình ảnh chiến sĩ Công an nhân dân. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, việc làm của CSGT Đà Nẵng “có cái đúng, cái sai”.
LS Chánh phân tích, việc làm đúng là nếu đối với hành vi vi phạm của người vi phạm giao thông có quy định hình thức xử phạt là cảnh cáo và phạt tiền, thì việc không lựa chọn hình thức cảnh cáo, nhắc nhở là phù hợp. Nhưng nếu quy định chỉ có hình thức là phạt tiền mà CSGT áp dụng hình thức “chép phạt” là chưa đúng quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
"Nhiều người sẽ phản ứng với tôi khi cho rằng, CSGT có thể “linh hoạt” trong việc xử lý. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền mà ở đó tinh thần “thượng tôn pháp luật” đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tất cả mọi người phải xây dựng ý thức pháp luật cao để chấp hành quy định pháp luật, nhất là người thực thi pháp luật. Chúng ta không thể đòi hỏi pháp luật nghiêm minh khi còn chấp nhận việc làm không đúng luật, “du di”, LS Chánh bày tỏ quan điểm.
Cũng theo LS Chánh, hình ảnh một người vi phạm giao thông khi làm việc với CSGT gọi điện thoại cho “anh Hai”, “chị Ba”… nhờ can thiệp, giúp đỡ trong khi rõ ràng mình đã vi phạm, hiện khá phổ biến. Nó cho thấy ý thức pháp luật của nhiều người chưa tốt, vẫn quan niệm “nhất thân, nhì thế” trong xã hội.
“Chúng ta ca ngợi Singapore vì đất nước của họ pháp luật nghiêm minh, ý thức chấp hành pháp luật của người dân rất tốt. Một trong những nguyên nhân làm nên điều này là nhờ việc xây dựng pháp luật với hình phạt nặng và được thực thi nghiêm minh. Quan niệm của người dân Việt vẫn là “duy tình” nhiều hơn “duy lý”. Nhưng khi chúng ta càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, khi chúng ta đang xây dựng đất nước văn minh thì vai trò pháp luật phải đặt lên hàng đầu. Nếu chúng ta thấy rằng quy định pháp luật đó chưa phù hợp thì có quyền kiến nghị, yêu cầu sửa đổi, bổ sung, chứ không thể tự ý hành xử trái luật”, LS Chánh nhấn mạnh.
Ngọc Lê