Phát biểu trước hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết trong 5 năm qua đã có 100 dịch vụ công được các bộ, ngành địa phương triển khai ở cấp độ 2; các dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, 4 đã và đang được triển khai. Một số địa phương đã tích cực triển khai Chính phủ điện tử như Quảng Ninh, Hải Phòng, TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng...
Trễ hẹn phải xin lỗi dân
Báo cáo về công tác cải cách hành chính (CCHC), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết tỉnh này đã đầu tư 600 tỉ đồng để thực hiện đề án xây dựng chính quyền điện tử. Đồng thời duy trì 1 trung tâm hành chính công cấp tỉnh - 1 cửa để người dân đến giao dịch mọi vấn đề. Kết quả đã giảm được 40% thời gian và thủ tục; giao tiếp trực tiếp giữa công chức và người dân thân thiện hơn. “Quảng Ninh thực hiện khoán chi và chuyển đơn vị hành chính công sang mô hình hợp tác công tư và công ty cổ phần dịch vụ hành chính” - ông Long chia sẻ.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết TP xác định xây dựng chính quyền điện tử gần dân. 100% sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã triển khai hành chính một cửa, tiến tới một cửa liên thông điện tử. “Hồ sơ nào của người dân, doanh nghiệp (DN) bị trễ hẹn thì thủ trưởng cơ quan phải có văn bản xin lỗi cụ thể. Đây không chỉ là hành vi văn hóa mà còn là cơ chế kiểm soát xem có bao nhiêu hồ sơ trễ hẹn” - ông Tuyến cho biết. Tuy nhiên, ông Tuyến cũng thừa nhận còn nhiều thủ tục do các cơ quan, đơn vị tự đặt ra làm phiền người dân, DN. Còn tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, có vụ đã bị khởi tố.
Bày tỏ thái độ kiên quyết hơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định sẽ cương quyết xử lý cán bộ chậm trễ trong xử lý văn bản, nhũng nhiễu DN. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TP Hà Nội xử lý dứt điểm vụ tòa nhà 8B Lê Trực.
Còn ức hiếp, nhũng nhiễu
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân không thể chỉ thực hiện ở trung ương, còn ở địa phương thì không chuyển biến. Vẫn còn tình trạng xin cho, ức hiếp, nhũng nhiễu người dân, nhất là ở cấp liên quan trực tiếp.
Thủ tướng cũng dẫn việc ông từng phát biểu trước Quốc hội về vấn đề chăm lo nhà vệ sinh ở trường học và cho rằng đừng nghĩ đây là chuyện nhỏ bởi nó rất thiết thực. “Việc nhỏ mấy mà thiết thực với người dân thì phải làm cho tốt, làm đến cùng. Tôi hoan nghênh TP HCM, Hà Nội đã bắt tay vào việc này. Hay việc tôi chỉ đạo làm rõ vụ “quán cà phê Xin Chào”, có người nói Thủ tướng làm việc nhỏ nhưng việc nhỏ mà không làm tốt, còn gây khó cho dân thì Chính phủ làm gì? Lo cho dân thì không có việc gì là nhỏ cả” - Thủ tướng nêu quan điểm.
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tăng cường đối thoại với người dân. Dân ở địa phương nào đến thủ đô khiếu kiện thì chủ tịch địa phương đó phải đón dân về đối thoại. “Chúng ta hướng đến xây dựng XHCN mà dân biểu tình rầm rầm ngoài đường là tại sao? Phải mổ xẻ làm rõ, làm cho dân hiểu, dân nghe. Hưởng lương từ tiền thuế của dân thì phải phục vụ đến nơi, đến chốn. Đừng vô trách nhiệm khi tiêu từng đồng tiền thuế của dân” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng sai thì phải xin lỗi
Thủ tướng tâm sự có nhiều người nói với ông rằng “ông nói rất đúng, rất phải nhưng hệ thống của ông có chuyển không, có thực sự phục vụ người dân không?”. Trước hội nghị, Thủ tướng đưa chiếc điện thoại của mình lên và nói: “Tôi cầm chiếc điện thoại này, có bao nhiêu cán bộ nhũng nhiễu, người dân nhắn tin cho Thủ tướng hết, đừng tưởng tôi không biết. Tôi xin nói với các đồng chí cái gì dân cũng biết, cán bộ làm gì dân cũng biết. Chúng ta phải hiểu như thế để đề cao trách nhiệm của mình”. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết Thủ tướng, các phó thủ tướng làm việc đến 12 giờ đêm là bình thường. Từ trung ương đến cơ sở phải vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân, không vì lợi ích nhóm hay bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh thành lập các tổ theo dõi chỉ đạo của lãnh đạo địa phương trong xử lý những vấn đề của dân, của DN được kịp thời, hiệu quả chứ không phải “đánh trống bỏ dùi”. “Phá rừng pơ mu ở Quảng Nam, Tân Kỳ (Nghệ An), Lâm Đồng, ai phải chịu trách nhiệm? Biết bao việc người dân mong chờ chúng ta phải hành động. Không phải nói tại cuộc họp rồi đâu lại vào đấy mà phải theo dõi các ngành, các địa phương xử lý nghiêm túc” - Thủ tướng quyết liệt.
Thủ tướng nhìn nhận cuộc “cách mạng” chuyển biến quá chậm từ CCHC đến kinh tế. Mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan đều phải CCHC. Nếu không làm sẽ tự thụt lùi, tự thui chột, tự lạc hậu. Về biện pháp cụ thể, theo Thủ tướng cần tập trung vào đội ngũ cán bộ.
“Cán bộ phải giỏi, có đạo đức, có tâm phục vụ nhân dân và phải luôn nhớ “3 xin” là xin hỏi, xin chào, xin cảm ơn. Mới đây, Thủ tướng đi bộ trong phố đi bộ ở Hội An cả cây số mà ô tô đi phía sau, Thủ tướng không hay biết. Ở đây phải thấy rằng trách nhiệm của Thủ tướng chưa tốt trong việc quán xuyến đoàn công tác và Thủ tướng phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm” - Thủ tướng bộc bạch.
Đà Nẵng dẫn đầu cải cách hành chính
Tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số CCHC (PAR Index) 2015. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đứng số 1 trong 19 bộ ngành, thứ 2 là Bộ Tài chính. Xếp vị trí chót bảng là Bộ Thông tin - Truyền thông, áp chót là Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ.
Về phía các địa phương, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng năm thứ 4 liên tiếp. Hải Phòng duy trì vị trí thứ hai. Đồng Nai vươn lên vị trí thứ 3, trong khi Hà Nội sau nhiều năm tiến bộ thì năm 2015 đã tụt xuống vị trí thứ 9.
Nguồn tin: NLĐ Online