Ngày 17-8, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã diễn ra hội thảo quốc tế về “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn biển Đông”. Hội thảo thu hút gần 100 học giả trong nước và quốc tế nhằm làm rõ quy chế pháp lý của đảo và đá trong luật pháp quốc tế, việc tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc (TQ).
Can thiệp thô bạo biển Đông
Đây là nhìn nhận của GS Carlyle A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc. Theo đó, TQ can thiệp thô bạo hiện trạng bằng việc xây dựng 7 đảo đá nhân tạo với quy mô lớn, đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. “Việc xây dựng đường băng, trạm ra-đa, hệ thống tên lửa, nhiều nhà chứa máy bay... là những hành động quân sự hóa. Các nước trong khu vực đối mặt với thách thức rất lớn nếu xảy ra chiến tranh tại đây” - GS A. Thayer nói.
Theo nghiên cứu của vị GS này, việc cải tạo các đảo do TQ chiếm đóng lên tới 95%, trong khi các nước trong vùng tranh chấp chỉ cải tạo 5%. Bên cạnh đó, TQ còn can thiệp vào an ninh hàng không, đường biển... “Hành động của TQ đang gây mất an ninh khu vực. Vai trò của ASEAN đang bị đe dọa” - GS A. Thayer nhận định.
GS Go Ito, giảng viên Trường Đại học Meiji (Tokyo - Nhật Bản), cho rằng TQ dựa vào yêu sách “đường lưỡi bò” để làm căng thẳng tình hình biển Đông hiện nay là điều không thể chấp nhận được. TQ từng cản trở tàu thuyền qua lại ở biển Đông đã thách thức trật tự hàng hải toàn cầu hiện nay. “Khu vực này có rất nhiều tàu thuyền qua lại vì mục đích giao thương, hậu cần. TQ cho rằng toàn bộ khu vực hàng hải “đường lưỡi bò” phải do TQ sở hữu và giám sát, trong khi UNCLOS không lập luận về sở hữu khu vực hàng hải” - GS Go Ito chỉ rõ.
Phân tích tình hình thực tế, ông Nguyễn Quý Bính - nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế của Bộ Ngoại giao, thành viên PCA - cho biết diễn biến gần đây cho thấy biển Đông đang trở thành một địa bàn có xung đột chiến lược giữa các nước lớn. Tuy nhiên, sự can dự của các nước lớn, trong đó có Mỹ, vào biển Đông ngày càng gia tăng sẽ không làm cho việc tranh chấp thêm phức tạp, ngoài tầm kiểm soát và không gây bất lợi hơn đối với các nước ven biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Phải tôn trọng phán quyết của PCA
Theo ông Nguyễn Quý Bính, TQ bị thất bại cả về pháp lý và chính trị sau khi PCA ra phán quyết. “Yêu sách cơ bản của TQ về chủ quyền “lịch sử” đối với toàn bộ vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” cũng như các hành động mạnh mẽ nhằm thực thi yêu sách của họ ở biển Đông đã bị bác bỏ bởi một cơ quan tài phán quốc tế, với các lập luận và chứng cứ vững chắc. Đây cũng là lần đầu tiên các tranh chấp về chủ quyền phức tạp ở biển Đông được soi sáng bởi ý kiến pháp lý khách quan trong giải thích và áp dụng đúng đắn các quy định của UNCLOS mà TQ tuy không thừa nhận nhưng cũng không thể bác bỏ” - ông Bính nói.
Về phía Việt Nam, ông Bính cho rằng đã ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của PCA, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, theo ông Bính, cần lưu ý là trong lập trường của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam vẫn luôn nhấn mạnh yếu tố lịch sử. Khác với TQ, Việt Nam đã thực hiện quyền chiếm hữu phù hợp với luật pháp quốc tế, đã dựng bia chủ quyền từ xa xưa và liên tục quản lý đối với 2 quần đảo này.
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, cho rằng phán quyết của PCA đã cung cấp và giải thích những khái niệm pháp lý rất chính xác và rõ ràng, giúp Việt Nam có căn cứ pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong biển Đông trước những tính toán, giải thích và áp dụng sai các quy định trong UNCLOS của TQ nhằm độc chiếm biển Đông.
GS Jeong Gab Yong, giảng viên Đại học Youngsan (Hàn Quốc), cho rằng TQ tuyên bố chủ quyền, quyền tài phán và quyền lịch sử trên biển Đông nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về việc thiết lập “vùng nước lịch sử”. TQ đính kèm bản đồ “đường 9 đoạn” vào thư ngoại giao của mình năm 2009. “Tuy nhiên, “đường 9 đoạn” này là mơ hồ, không nói rõ liên quan thực thể nào. TQ không thể lấy “đường 9 đoạn” để đưa ra yêu sách về kinh tế. TQ cần áp dụng luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, cần từ bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” tự nguyện và ngay lập tức” - GS Jeong Gab Yong nhấn mạnh.
GS Erik Franckx, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Vrije Universiteit Brussel (Bỉ), thành viên PCA, cho rằng kết luận của PCA là kết luận cuối cùng, các nước liên quan cần phải tôn trọng. Mỹ trước đây cũng từng bị kiện và dù không tham gia phiên tòa nhưng cuối cùng vẫn phải thừa nhận phán quyết của tòa. “Điều này thể hiện ngay cả cường quốc cũng không thể đi ngược lại phán quyết của Tòa Trọng tài, nhất là một quốc gia nằm trong thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như TQ” - GS Erik Franckx nói.
Biển Đông là phép thử của TQ
TS Gerhard M. J. Will, chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của Viện Chính trị và An ninh quốc tế Đức, cho rằng khi xem xét lại những bài phát biểu gần đây và tuyên bố từ phía TQ, có thể thấy việc tiếp cận quân sự trong xung đột biển Đông dường như là mục tiêu được đặt lên hàng đầu, trong khi ngoại giao chỉ đóng vai trò thứ yếu.
“Biển Đông là một phép thử hoặc thí nghiệm quyết định về khả năng của TQ: Hoặc là tuân thủ theo trật tự quốc tế hiện hành hoặc sửa đổi nó hoặc để tạo ra một trật tự quốc tế mới mà cần có sự đồng ý càng nhiều nước càng tốt. Trong mọi trường hợp, TQ vẫn phải đối mặt với sự mong muốn và khả năng của các quốc gia” - TS Will nhìn nhận.
Bà AMY SEARIGHT, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ:
Buộc Trung Quốc tôn trọng luật quốc tế
Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu với Tổng thống Obama rằng TQ không có ý định quân sự hóa tại vùng biển có tranh chấp. Do đó, Mỹ cho rằng đó là một cam kết của TQ vì vậy việc TQ không tôn trọng cam kết này là điều bất lợi.
Phán quyết của PCA trong vụ kiện của Philippines sẽ tạo tiền lệ tốt cho Việt Nam. Việt Nam có thể sử dụng luật pháp quốc tế, ảnh hưởng kết quả vụ kiện để gây áp lực với TQ. Theo tôi, để giải quyết tranh chấp trong khu vực, các nước ASEAN cần kiên định, đoàn kết, cùng nhau đòi hỏi về trách nhiệm, về đạo đức, buộc TQ tôn trọng phán quyết của luật pháp quốc tế.
GS KOICHI SATO, Đại học J. F. Oberlin (Tokyo - Nhật Bản):
Đấu tranh bằng truyền thông và pháp lý
Tôi cho rằng có 2 bài học mà các nước trong khu vực cần áp dụng. Ở vụ giàn khoan 981, Việt Nam đã sử dụng cuộc chiến truyền thông và tâm lý tốt khi mời phóng viên quốc tế chứng kiến việc tàu chấp pháp của TQ tấn công các tàu Việt Nam. Cả thế giới không thể tưởng tượng được hành động của TQ. Việc sử dụng dư luận quốc tế đã gây áp lực, buộc TQ rút giàn khoan trước 1 tháng. Còn Philippines sử dụng cuộc chiến pháp lý, dùng luật quốc tế gây áp lực lên chính phủ TQ. Phán quyết của PCA là một thắng lợi lớn, phản bác toàn bộ yêu sách của TQ. Thực tế, dù các nước ASEAN không đủ tiềm lực quân sự nhưng ASEAN sử dụng chiến tranh truyền thông, tâm lý, pháp lý để buộc các nước lớn phải tôn trọng.
H.Ánh - K.Nam ghi
Nguồn tin: NLĐ Online