Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) diễn ra ở thủ đô Washington trong 2 ngày 23 và 24-6 (giờ địa phương) tập trung thảo luận một loạt vấn đề hai bên đang bất đồng hoặc có tiếng nói chung, như: biển Đông, an ninh mạng, rào cản thương mại, biến đổi khí hậu, chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình...
Dẫn đầu phái đoàn nước chủ nhà tại S&ED là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Bộ Tài chính Jacob Lew. Đoàn Trung Quốc cực kỳ hùng hậu với sự tham gia của hơn 400 quan chức, được dẫn đầu bởi Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì.
Phát biểu tại phiên khai mạc S&ED, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng cả Washington và Bắc Kinh cần “trung thực và thẳng thắn” về mối quan hệ song phương trong tương lai. “Chúng ta sẽ không giải quyết được hết mọi vấn đề tại cuộc gặp này nhưng phải cam kết làm việc để tìm giải pháp cho chúng” - ông Biden nói.
Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc phải bảo đảmsự tự do lưu thông trên các tuyến đường biển quốc tế trong bối cảnh nước này tiến hành hoạt động cải tạo đất, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, trong đó có Washington. Cũng thẳng thắn như ông Biden, Phó Thủ tướng Uông Dương thừa nhận 2 nước vẫn còn không ít khác biệt nhưng nhấn mạnh “đối thoại dù sao vẫn tốt hơn đối đầu”!
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung
ở Washington hôm 23-6. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết Washington “quan ngại sâu sắc” về các vụ tấn công mạng do chính phủ các nước “tài trợ” nhằm đánh cắp bí mật thương mại của các công ty và doanh nghiệp. Đáp lại, ông Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc sẽ làm việc với các nước khác về những vấn đề an ninh mạng.
Dù không nêu đích danh nước nào nhưng ai cũng biết ông Lew muốn ám chỉ Trung Quốc sau khi xảy ra vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào hệ thống mạng máy tính của Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM). Theo đài CNNhôm 22-6, các quan chức Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc xâm phạm dữ liệu của ít nhất 18 triệu người đã và đang làm việc cho chính phủ liên bang trong vụ tấn công này, cao hơn con số 4,2 triệu người mà OPM công khai thừa nhận trước đó.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, vừa viết thư thúc giục Tổng thống Barack Obama áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì “đứng sau những vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ”. Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời tố ngược Mỹ mới là nước tích cực nhất trong hoạt động do thám trên mạng nhằm vào các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Ngoài ra, chiếm không ít thời gian của đối thoại dự kiến sẽ gồm những tranh cãi về rào cản thương mại, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vấn đề định giá đồng nhân dân tệ.
“Nhiều công ty Trung Quốc đang không hài lòng về những rào cản cao mà Mỹ áp đặt lên hoạt động đầu tư từ Trung Quốc” - Phó Thủ tướng Uông Dương cho biết trong một bài bình luận đăng trên báo The Wall Street Journal trước thềm S&ED. Ngược lại, theo hãng tin AP, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ lo ngại rào cản pháp lý tại Trung Quốc đang tăng bất chấp lời hứa thúc đẩy cải cách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hãng tin Reuters nhận định Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách giảm căng thẳng tại S&ED bằng cách nhấn mạnh đến những lĩnh vực mà hai bên ít nhiềuđang có điểm chung, như môi trường, thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình Afghanistan, cuộc chiến chống các nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan... Đối thoại này dự kiến bàn về nỗ lực phát triển năng lượng sạch, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ đại dương và môi trường biển.
Trung Quốc sẽ giấu tàu ngầm ở biển Đông?
Các nhà phân tích an ninh và quốc phòng đang quan ngại sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông là nhằm tạo ra một khu vực trú ẩn nước sâu để “giấu” tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo. GS Carl Thayer, thuộc Trường ĐH New South Wales (Úc), cho hay biển Đông có những nơi sâu đến hàng ngàn mét với những hẻm núi giúp tàu ngầm Trung Quốc không dễ bị phát hiện.
Theo GS Thayer, Bắc Kinh xem biển Đông là “tài sản chiến lược” do nó bảo vệ sườn phía Nam của Trung Quốc, nơi có căn cứ tàu ngầm ở TP Tam Á trên đảo Hải Nam.
Báo The Seattle Times (Mỹ) đưa tin hải quân Trung Quốc đã xây dựng đường hầm ngầm dưới nước và lặng lẽ điều động một số tàu ngầm đến đây, trong đó có tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Tính đến năm 2014, Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, bao gồm 5 tàu chạy động cơ hạt nhân và ít nhất 3 chiếc có thể phóng tên lửa đạn đạo. Báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2014 cho biết Bắc Kinh có kế hoạch bổ sung 5 tàu ngầm có thể phóng tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, theo giới chức Nhật Bản và Philippines, máy bay trinh sát P3-C Orion của Nhật cùng với 3 thành viên phi hành đoàn người Philippines đã bay vòng trên khu vực bãi Cỏ Rong ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) ngày 23-6, phía sau là một máy bay tuần tra nhỏ hơn của Philippines. Hãng tin Reuters cho biết đây là một phần trong cuộc tập trận chung giữa quân đội Nhật Bản và Philippines.
Phản ứng trước hành động trên, Trung Quốc kêu gọi Tokyo và Manila “không gây căng thẳng ở khu vực”.
Huệ Bình
Nguồn tin: NLĐ Online