Đã xảy ra hơn 700 vụ khách hàng khiếu kiện vì bị mất cắp hành lý kể từ đầu năm 2013 đến nay nhưng hệ thống camera giám sát thì không ghi nhận được bất cứ một trường hợp nào. Đây chính là cơ sở để Bộ trưởng Thăng kết luận nạn ăn cắp là có tổ chức, chính nội bộ ngành hàng không phối hợp với nhau lấy trộm chứ người ngoài không thể lọt vào mà lấy. Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp - Bộ Công an, cũng khẳng định: Có sự tham gia, móc nối của nhân viên hàng không, đặc biệt là bộ phận soi chiếu, vì nhiều vụ vết rạch đúng chỗ để đồ có giá trị, không thể nói là may mắn!
Minh họa về một vali hành lý bị mở trộm
Vậy là đã rõ, “điểm mù” thuộc về khâu kiểm soát nội bộ của ngành hàng không. Trước tiên là hệ thống camera nhưng thật ra, máy móc cũng là do con người vận hành; với kẻ đã rắp tâm ăn cắp thì không khó để vô hiệu hóa camera. Do vậy, điều mấu chốt nằm ở khâu nhân sự và môi trường làm việc. Tuyển phải người xấu thì gây họa đã đành; tuyển được người tốt mà gặp phải môi trường làm việc thiếu lành mạnh, đầy tư lợi và cơ hội thì người ngay cũng khó giữ mình, dễ thành “cá mè một lứa”, bắt tay nhau làm chuyện tà đạo.
Suy cho cùng, danh dự và tên tuổi của bất cứ ngành nghề nào cũng từ nhân phẩm của những người làm ngành nghề ấy mà ra. Không chỉ làm mất hoặc lấy cắp hành lý của khách, chính một số người của ngành hàng không đã tự làm xấu hình ảnh của mình trong mấy năm qua với hàng loạt vụ buôn lậu, chôm chỉa hàng đắt tiền ở nước ngoài, giấu vàng trong đế giày khi xuất cảnh, ném giấy tờ của khách... Tình trạng này chưa tìm được hướng khắc phục dù “đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ”, như “tư lệnh” ngành giao thông vận tải đặt vấn đề.
Đó không chỉ là câu chuyện của riêng ngành hàng không mà còn là hình ảnh, thể diện của đất nước. Không ai muốn đến một xứ sở mà ngay khi đặt chân tới sân bay đã ngay ngáy lo bị mất cắp. Không ai muốn trở lại một quốc gia “thân thiện” thêm lần nữa khi ở đó những người làm trong một ngành cao sang như hàng không - nhóm đầu tiên tiếp xúc với khách nước ngoài - lại đầy máu tham. Chính Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thừa nhận thực tế này: Lãnh đạo ngành hàng không không nhận thấy trách nhiệm của mình, coi việc mất cắp hành lý ở sân bay chỉ bình thường như chuyện cháy nhà hàng xóm. Không cảm thấy nhục, xấu hổ thì mất cắp không giảm.
Đúng, phải biết nhục trước đã, rồi mới sửa sai và làm tốt hơn được!
Nguồn tin: NLĐ Online