Không hiểu được mục đích, ý nghĩa ngồn vốn vay
Theo Quyết định 54, những hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ vay 8 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư thêm trong quá trình sản xuất như mua phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị, dụng cụ…
Thế nhưng, qua giám sát thì hầu hết các địa phương thật sự chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn, từ đó chưa chú trọng đến công tác triển khai. Vì vậy, ở nhiều địa phương, mặc dù có số hộ DTTS đặc biệt khó khăn nhiều, nhưng số lượng hộ tiếp cận nguồn vốn lại rất hạn chế.
Điển hình như tại huyện Đắk Mil, qua rà soát, từ năm 2013 đến nay có khoảng 1.748 lượt hộ DTTS thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng chỉ có 52 lượt hộ ở 2 xã Đắk Gằn và Đức Minh được vay vốn, chiếm 2,9%. Trong khi đó, tất cả các xã còn lại không có bất kỳ hộ nào được tiếp cận với nguồn vốn. Điều đáng nói nữa là một số hộ được vay vốn hầu như cũng không phát huy được hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Điển hình như chị H’Thọ ở bon Đắk Gằn, xã Đắk Gằn cho biết: “Vì gia đình đang gặp khó khăn, thiếu thốn, nên khi được vay vốn, tôi đã dùng để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Bây giờ thì rẫy cũng đã bán hết rồi, ngoài khoản vay này gia đình hiện vẫn còn nợ thêm các khoản khác nữa”.
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tìm hiểu thực tế sử dụng nguồn vốn vay tại bon Đắk Gằn, xã Đằk Gằn (Đắk Mil) |
Còn tại huyện Tuy Đức, nhiều xã vẫn không phân biệt được các nguồn vay dành cho các hộ DTTS như xã Đắk R’tíh. Thậm chí, có xã còn không biết đến chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn, nhưng khi báo cáo vẫn có số liệu như xã Đắk Búk So. Ông Điểu Tin ở bon N’Rung, xã Đắk Búk So cho biết: “Rất nhiều bà con trong bon mong muốn được vay các nguồn vốn để có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống gia đình. Tuy nhiên, nguồn vốn vay theo Quyết định 54 thì hầu như chưa ai được vay và cũng không nghe thông tin gì về nguồn vốn này”.
Thiếu trách nhiệm triển khai thực hiện chính sách
Qua thực tế giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chính sách cho vay vốn hộ DTTS đặc biệt khó khăn không phát huy hiệu quả. Đối với số hộ đồng bào được tiếp cận với nguồn vốn thì do nhận thức còn hạn chế, nên không sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay.
Công tác tổ chức thực hiện chính sách cũng còn nhiều vấn đề bất cập, khiến tỷ lệ hộ dân tiếp cận với nguồn vốn đạt thấp. Đầu năm là thời điểm người dân có nhu cầu vay vốn nhất để phục vụ cho việc sản xuất mùa vụ mới, nhưng nguồn vốn phân bổ về lại vào dịp cuối năm nên bà con không dám vay.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói nhất là nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng đến việc triển khai chính sách cho hộ DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn theo Quyết định 54. Vì vậy, công tác tuyên truyền về chính sách chưa đến nơi đến chốn nên rất ít hộ biết để vay, hoặc biết cũng ngại vay vì sợ mất quyền lợi khi vay các nguồn vốn khác lớn hơn.
Một số địa phương có triển khai thì cũng chỉ chú trọng đến việc giải ngân và thu hồi vốn, chưa quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân về mục đích, ý nghĩa để sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Bên cạnh đó, mặc dù có văn bản ủy thác, nhưng các đoàn thể ở địa phương vẫn chưa thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình triển khai.
Theo ông Y Quang B’Krông, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, trước thực trạng trên, các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của chính sách vay vốn theo Quyết định 54 của Chính phủ. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm trong việc triển khai chính sách thật sự sâu rộng và hiệu quả.
Các tổ chức, đoàn thể được ủy thác cần thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giúp các hộ dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Đối với những địa phương chưa triển khai cần khẩn trương tổ chức rà soát lại đối tượng, nhu cầu nhằm đảm bảo quyền lợi được vay vốn của các hộ dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Đăk Nông