Chư Jút đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Chủ nhật - 18/09/2016 23:24 2.972 0
Để từng bước nâng cao vị thế sản phẩm nông nghiệp của địa phương, UBND huyện Chư Jút đã xây dựng Đề án thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016 – 2020. Đây là bước đi tất yếu và cần thiết khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu.

Nông dân xã Tâm Thắng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh lúa vụ hè thu. Ảnh: Y Krăk

Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán

Chư Jút là một huyện có diện tích đất đai rộng, nguồn nhân lực dồi dào và phát triển mạnh về sản xuất nông nghiệp, với diện tích gieo trồng 40.560 ha, tổng sản lượng lương thực đạt trên 133.000 tấn.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Chư Jút không ngừng phát triển và đã tạo được chuỗi sản phẩm hàng hóa đa dạng, nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm phong phú và ổn định cho người tiêu dùng địa phương.

Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cho biết: “Tuy nhiên, cho đến nay, người nông dân còn thiếu kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, thiếu thông tin thị trường, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, chi phí đầu tư sản xuất cao làm cho giá thành sản phẩm cao, đồng thời, đầu ra sản phẩm không ổn định, chạy theo năng suất sinh học mà chưa để ý đến an toàn thực phẩm, làm cho thị trường tiêu thụ không tin tưởng. Chính vì vậy, điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” trong sản xuất nông nghiệp liên tục diễn ra trên địa bàn”.

Thực tế, hiện nay hầu hết diện tích nông dân gieo trồng vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, phân tán và thiếu liên kết, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), nhóm hộ, với doanh nghiệp mà vẫn sản xuất tự phát nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm không đủ lớn và ổn định. Hầu hết sản phẩm nông dân làm ra chủ yếu bán cho thương lái chưa có sự liên kết với doanh nghiệp nên bị ép giá.

Trước thực tế đó, việc thành lập các HTX, THT, nhóm hộ cùng sở thích, liên kết với các doanh nghiệp là bước đi tất yếu và cần thiết khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Mục tiêu của đề án là tạo chuỗi liên kết giữa các nhóm hộ, các doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời từng bước xây dựng mô hình điểm thực hiện chuỗi liên kết trên địa bàn để nông dân tham quan, học tập từng bước nhân rộng mô hình.

Nông dân xã Nam Dong chăm sóc hoa màu

Từng bước hướng sản xuất theo chuỗi

Liên kết sản xuất theo chuỗi là nông dân và doanh nghiệp hợp tác sản xuất từ khâu xuống giống đến tiêu thụ nông sản. Mô hình sản xuất này phải thực hiện ở quy mô lớn, đòi hỏi người nông dân và doanh nghiệp phải đầu tư số vốn lớn không chỉ cho trang thiết bị máy móc mà còn cả cơ sở hạ tầng…

Vì vậy, đề án liên kết sản xuất là cơ hội giúp nông dân và doanh nghiệp xích lại gần hơn nhằm thực hiện cam kết nông dân có đất, doanh nghiệp đầu tư vốn, nhà nước làm “bà đỡ” để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chế biến của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu tiêu thụ của thị trường.  

Theo đó, địa điểm triển khai đề án được huyện tập trung tại các xã như: Tâm Thắng, Nam Dong, Ea Pô và Đắk D’rông…Bắt đầu từ năm 2016, huyện Chư Jút đã xây dựng chuỗi sản xuất với diện tích trên 40 ha đậu nành và 40 ha đậu phụng. Đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu đạt 1.550 ha cây trồng các loại được sản xuất theo chuỗi.

Trong đó, cây ngô 140 ha, đậu nành 560 ha, hồ tiêu 140 ha, đậu phụng 560 ha, cây lúa 200 ha, cây rau 90 ha. Tổng vốn của đề án là gần 50 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 1,9 tỷ đồng, vốn tự có của nông hộ, HTX và THT hơn 48 tỷ đồng.

Trước mắt, với tinh thần vận động, khuyến khích nhân dân tham gia, nhà nước chỉ hỗ trợ sản xuất lần đầu, sau đó nhân dân và doanh nghiệp tự hoạt động theo chuỗi. Theo đó, năm 2016, nguồn vốn ngân sách chi 403 triệu đồng và năm 2017 bố trí trên 1,3 tỷ đồng, đây là nguồn vốn tạo tiền đề, khuyến khích nông dân và danh nghiệp cùng nhau góp vốn xây dựng vùng nguyên liệu.

Song song với việc triển khai các biện pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản trên địa bàn, huyện sẽ tổ chức đào tạo cho đội ngũ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông, cán bộ nông nghiệp xã, thị trấn 3 lớp với 150 người và tập huấn kỹ thuật cho nông dân 4 lớp với khoảng 200 nông dân.

Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ khuyến nông và nông dân sẽ tập trung vào những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh theo chuỗi, cách tiếp cận với kinh tế thị trường, tiếp cận với khoa học kỹ thuật công nghệ mới; cách lập và thực hiện các dự án, kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh, phương pháp quản lý và hạch toán kinh tế trong sản xuất theo chuỗi…

Ngoài ra, hoạt động sản xuất theo chuỗi còn tạo ra mô hình sản xuất kiểu mẫu về cách tổ chức và quản lý sản xuất, kinh doanh... cho các hộ nông dân tham khảo áp dụng.

Bài, ảnh: Văn Tâm

 

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay3,475
  • Tháng hiện tại15,910
  • Tổng lượt truy cập40,978,783
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây