Đầu tư các công trình thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu: Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn

Chủ nhật - 18/09/2016 23:22 869 0
Ngày 11/11/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1799 phê duyệt các công trình thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp 55 công trình và xây dựng mới 50 công trình, với tổng vốn ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng, để tăng 12.600 ha tưới chủ động từ công trình thủy lợi.

Công trình thủy lợi Đắk Rồ (Krông Nô). Ảnh: Ngọc Tâm

Trên cơ sở kế hoạch, cuối năm 2015, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, các cấp, ngành liên quan lập danh mục công trình đăng ký đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trước tình hình nguồn vốn ngân sách (Trung ương và địa phương) hạn hẹp, Sở đã tham mưu UBND tỉnh lập 3 dự án kêu gọi đầu tư bằng vốn vay ODA gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất (vốn ADB); Sửa chữa nâng cao an toàn đập (vốn WB); Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh (Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông) bị ảnh hưởng bởi hạn hán (vốn ADB).

Sở còn đưa ra các giải pháp như trồng rừng thượng nguồn các hồ chứa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với BĐKH; áp dụng biện pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước.

Tuy nhiên, đến nay, các công trình đầu tư trung hạn bằng vốn ngân sách nhà nước chưa được bố trí vốn nên chưa triển khai. Đối với 3 dự án đầu tư bằng vốn vay ODA bước đầu đã được Chính phủ và nhà tài trợ cam kết đầu tư. Trong đó, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất đã được bố trí vốn và triển khai công tác thi công; 2 dự án còn lại đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình Chỉnh phủ phê duyệt.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa III mới đây, ông Nguyễn Cầu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, qua gần 1 năm triển khai kế hoạch thì khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình quá ít so với nhu cầu đề ra. Trong khi đó, BĐKH theo hướng bất lợi dẫn tới hạn hán, thiếu nước xảy ra phức tạp, cường độ và tần suất ngày một tăng. Nguồn nước mặt, nước ngầm ngày càng suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Nhu cầu dùng nước tăng nhanh do tăng diện tích cây trồng, tăng dân số, tăng các nhà máy, khu công nghiệp. Một khó khăn nữa là tư duy, nhận thức của người dân còn thấp, làm ảnh hưởng lớn đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án.

Cũng theo ông Cầu, trước tình hình đó, cùng với đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA, tỉnh cần tập trung đầu tư xây dựng gấp một số công trình thủy lợi trọng điểm phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Cụ thể như công trình thủy lợi Đắk Gang (Đắk Mil) tưới cho 1.200 ha cà phê, hồ tiêu, 200 ha lúa và cấp nước sinh hoạt; Công trình thuỷ lợi Đắk Gằn (Chư Jút) tưới cho 800 ha cà phê, hồ tiêu, 150 ha lúa và cấp nước sinh hoạt; Công trình thủy lợi Nam Xuân (Krông Nô) tưới cho 1700 ha cà phê, hồ tiêu, 300ha lúa, cấp nước sinh hoạt. Ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu, thiết kế tham mưu cho tỉnh thay thế toàn bộ máy bơm của các trạm bơm dọc trên sông Krông Nô phù hợp với hiện trạng bờ sông và nhu cầu nước tưới.

Hồ thủy lợi trung tâm huyện Tuy Đức. Ảnh: Ngọc Tâm

Qua thực tế cho thấy, cùng với quản lý tốt quy hoạch nông nghiệp thì đòi hỏi tỉnh, ngành chức năng cần có các chính sách, cơ chế để phát triển thủy lợi nhỏ, nhất là hỗ trợ đào ao chứa nước, xây dựng hồ chứa nhỏ nhằm tăng nhanh diện tích cây trồng được bảo đảm tưới.

Song song đó, cần chuyển đổi để tăng diện tích cây trồng có nhu cầu nước thấp việc phổ biến, ứng dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cần được đẩy mạnh hơn. Vấn đề trồng rừng, nhất là tại các vùng đầu nguồn của lưu vực để điều tiết, giữ nguồn nước phục vụ cung cấp nước cho các sông suối, hồ chứa nước trên địa bàn cũng phải được quan tâm đúng mức.

Lam Giang

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay2,004
  • Tháng hiện tại68,321
  • Tổng lượt truy cập41,248,922
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây