Chị H’Yan nói: “Ðược các nghệ nhân tận tình chỉ dạy, mỗi học viên đều dễ dàng nắm bắt được từ những đường nét cơ bản đến nâng cao để áp dụng vào sản phẩm thổ cẩm. Một số chị em nhanh ý còn sáng tạo, cách tân làm ra những sản phẩm thổ cẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Ðiều đáng mừng là tôi đã bán được một số sản phẩm do mình làm ra, có ít thu nhập và nhất là tạo thêm niềm hứng thú để có thể tiếp tục hành nghề về lâu dài”.
Nhiều người hào hứng tham gia học nghề dệt thổ cẩm tại nhà văn hóa |
Ông Y Bhit, Trưởng bon U1 cho biết: “Trước đây, nhiều gia đình trong bon còn phải đi mua những vật dụng như: khăn trải bàn, váy áo, khăn tay... để sử dụng. Sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều chị em đã tự mình dệt được những sản phẩm đó. Ðiều quan trọng nhất là qua việc học và hành nghề, các gia đình đã xây dựng được ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, không để nghề dệt thổ cẩm truyền thống bị mai một theo thời gian”.
Nghệ nhân H’Vân Knul, phụ trách lớp dệt thổ cẩm tại thị trấn Ea T’ling tâm sự: “Ngay từ nhỏ, bản thân tôi đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, các sản phẩm thổ cẩm đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đối với thế hệ trẻ, nghề dệt thổ cẩm ngày càng ít được quan tâm và đang có chiều hướng mai một. Vì vậy, khi được Trung tâm dạy nghề huyện mời đứng lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, tôi đã lập tức đồng ý và xem đây là cơ hội để lưu truyền cho các thế hệ sau này những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông. Trong mỗi khóa học, các học viên được truyền đạt đầy đủ những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật dệt thổ cẩm trên các loại chất liệu như: sợi lanh, sợi len... cũng như nắm bắt được chủng loại, mẫu mã và hình thức”.
Cũng theo bà H’Vân thì sau khi kết thúc mỗi khóa học, ngày càng có thêm nhiều chị em say sưa, miệt mài bên khung dệt vải để làm nên những sản phẩm truyền thống. Ðặc biệt, chị em đã xem nghề dệt thổ cẩm với ý nghĩa thiêng liêng khác là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với trách nhiệm giữ nghề cho bản thân và sẵn sàng truyền dạy cho các thế hệ sau này.
Theo ông Cao Văn Lạc, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Chư Jút thì từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 2 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm ở xã Tâm Thắng và thị trấn Ea T’ling, thu hút 70 học viên là chị em tham gia, mỗi lớp kéo dài khoảng 3 tháng.
Việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, ngoài giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho bà con thì điều quan trọng nhất là giúp đồng bào bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Trong quá trình tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, Trung tâm đã liên hệ mời những nghệ nhân có tay nghề cao đứng lớp nên quá trình đào tạo nghề đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đánh giá cuối khóa, hầu hết học viên tham dự đều dệt được các sản phẩm thổ cẩm thông thường như: khăn tay, túi xách, váy áo... Một số chị em có tay nghề giỏi đã làm được những sản phẩm chất lượng mang giá trị thẩm mỹ cao, bán được ra thị trường.
Bài, ảnh: Phan Tuấn