Ngày 25/8/2016, Báo Đầu tư đưa tin, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại tiếp tục có công văn số 6395/NHNN-TD "tuýt còi" về kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.
Bộ GTVT đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp; vì vậy, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các Bộ có liên quan, đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn.
Cùng với đó, các TCTD thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT trước khi cho vay, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng.
Như vậy, với chỉ đạo trên, các chủ đầu tư các dự án xây dựng BOT, BT sẽ khó có thể triển khai với hình thức "tay không bắt giặc" như hiện nay.
Kiểm soát chặt chẽ việc cho nhà đầu tư vay tiền xây dựng dự án BOT |
Còn nhớ trước đó, chia sẻ với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội đã từng 2 lần nhắc đến câu chuyện này.
Ông từng chỉ rõ: "Tại nhiều dự án đường cao tốc được triển khai theo hình thức BOT trên địa bàn cả nước, hầu hết nguồn vốn nhà đầu tư bỏ ra để làm dự án là đi vay.
Vốn tự có của nhà đầu tư chỉ chiếm một phần rất nhỏ - mang tính tượng trưng là chính. Có dự án nhà đầu tư tham gia theo kiểu “tay không bắt giặc” khi số vốn tự có chiếm 10% đến 15% trên tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Vì thế, việc nhà đầu tư phải đi vay quá nhiều để làm dự án khiến suất đầu tư các đường cao tốc tăng cao, thời gian thu phí vì thế bị kéo dài".
Điều đáng nói, theo ông Liên, tiền Ngân hàng cũng là tiền gửi của dân, DN vay để xây dựng BOT, rồi lại thu phí của dân đề bù vào, như vậy có nghĩa dân đang còng lưng kiếm tiền cho vay, nhưng vẫn phải trả lãi.
Cũng có lẽ vì bài toán tiền phí, nên người dân luôn đặt nghi vấn về số tiền thu về thực tế của chủ đầu tư so với số tiền báo cáo đến các cơ quan chức năng, khi chính các công ty BOT đang tố cáo nhau không minh bạch.
Ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành giám sát thu phí là trạm thu phí trên QL5 và trạm thu phí dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ. Thời gian giám sát việc thu phí tại 2 trạm này đều được thực hiện trong 10 ngày.
Kết quả thu phí đạt trung bình 1,97 tỷ đồng/ngày. Kết quả này cho thấy con số chênh lệch giữa thu trung bình ngày giám sát so với bình quân ngày báo cáo của doanh nghiệp dự án lên đến 582 triệu đồng/ngày.
Còn đối với trạm thu phí trên QL5, sau khi báo chí phát hiện nhân viên trạm thu phí có hành vi gian lận vé, đã có 3 người bị cho nghỉ việc và Tổng cục Đường bộ vào cuộc tiến hành kiểm tra.
Để đảm bảo công tác giám sát thường xuyên, Tổng cục Đường bộ vừa có kiến nghị Bộ GTVT không nên cho phép nhiều đơn vị triển khai dịch vụ, công nghệ thu phí tự động không dừng, chỉ giới hạn 2-3 đơn vị.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, cần nhanh chóng lắp đặt thiết bị thu phí không dừng, bắt buộc tất cả các trạm BOT phải lắp đặt, thực hiện giám sát công khai như nước ngoài. Ở Hàn Quốc, các đơn vị xây dựng BOT sẽ không được làm đơn vị thu phí BOT.
Đặc biệt, ông Thanh nhấn mạnh: "Tôi mong muốn Quốc hội giám sát chặt chẽ việc này để làm sao phát huy và có được những công trình tốt cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, làm sao đảm bảo tính công khai minh bạch, người dân được thụ hưởng thành quả đó, mà bản thân các nhà đầu tư cũng thấy yên tâm.
Nếu cứ kéo dài tình trạng như hiện nay cũng sẽ khiến chính nhà đầu tư phải băn khoăn, nản lòng vì cho rằng, đã đầu tư cho xã hội như vậy lại còn bị tiếng oan… Tất cả càng công khai, minh bạch bao nhiêu càng bớt đi những dị nghị, điều tiếng trong xã hội bấy nhiêu".
Sơn Ca (Tổng hợp)
Nguồn tin: baodatviet