Bỏ qua lời cảnh báo từ Mỹ
Hãng Kyodo dẫn nguồn tin ngoại giao ngày 30/8 cho biết Chính phủ Nhật Bản định hướng phát triển hợp tác kinh tế toàn diện với Nga mà không cần chờ đợi tiến bộ trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước liên quan tới quần đảo Nam Kuril.
Quần đảo Nam Kuril mà phía Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Theo đánh giá của Kyodo, điều này có nghĩa là Nhật Bản đang rời khỏi quan điểm mang nguyên tắc trước đây – đặt sự hợp tác phụ thuộc vào việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ, cụ thể là chủ quyền quần đảo Nam Kuril.
Chính phủ Nhật Bản định hướng phát triển hợp tác kinh tế toàn diện với Nga |
"Trong các điều kiện khi các cuộc đàm phán về vấn đề lãnh thổ không có tiến bộ, cần thiết phải điều chỉnh lại lập trường, quan điểm mang tính nguyên tắc trước đó", Kyodo nguồn tin từ trong chính phủ Nhật Bản cho biết.
Như vậy, cách tiếp cận mới của Thủ tướng Shinzo Abe có thể đồng nghĩa với việc Tokyo đang từ bỏ tham vọng chủ quyền với các đảo. Tokyo coi đây là bản chất "cách tiếp cận mới" cho quan hệ song phương, được đề cập sau cuộc hội đàm hồi tháng 5/2016 giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi.
Theo Kyodo, vấn đề hợp tác song phương sẽ là chủ đề tiếp tục được thảo luận vào đầu tháng 9 tới tại Diễn đàn kinh tế phương Đông ở thành phố cảng Vladivostok – Vùng Viễn Đông Nga.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/8 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cũng đã có cuộc gặp gỡ với Đại sứ Nhật Bản tại Nga Toyohisa Kozuki .
Tại buổi làm việc, 2 bên đã thảo luận về quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước, đồng thời đề cao việc tổ chức các cuộc trập quân sự chung và hợp tác giữa các lực lượng hải quân Nga và Nhật Bản.
Đặc biệt, trong cuộc gặp gỡ, Thứ trưởng Antonov và Đại sứ Kozuki đã trao đổi quan điểm về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thời gian gần đây.
Hai bên cũng đã thảo luận về cấp độ hợp tác hiện nay trong mối quan hệ quân sự giữa hai nước, theo đó đánh giá tích cực về hoạt động tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, tham vấn ở cấp tham mưu trưởng và hợp tác hải quân của hai bên.
Ngoài ra, mô hình hợp tác quân sự đa phương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp lần này. Ông Antonov khẳng định phía Nga sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản thông qua hoạt động diễn tập chung.
Sau cuộc gặp gỡ này, Washington đã lên tiếng nhắc nhở Nhật Bản về tầm quan trọng phải có quan điểm thống nhất với Mỹ.
Trước đó, trong một cuộc điện đàm với ông Abe, dường như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị nhà lãnh đạo Nhật Bản nên trì hoãn các chuyến đi tới Nga, chí ít là đến sau Hội nghị thượng đỉnh G7, do Tokyo đăng cai vào tháng 5.
Đáp lại, theo hãng tin Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản không chấp nhận đề nghị này và đã lưu ý với ông Obama về những vấn đề quan trọng cần được giải quyết giữa Tokyo và Moskva.
Như vậy, việc Nhật Bản bất chấp sự ''không hài lòng'' của Mỹ để tiến tới hợp tác phát triển toàn diện với Nga cho thấy Tokyo rất rõ ràng về mặt quan điểm trong việc xử lý các nhóm vấn đề mà quốc gia này đang phải đối mặt.
Hướng mũi nhọn sang Trung Quốc
Thêm vào đó, việc Nhật Bản ''hạ nhiệt'' trong giải quyết tranh chấp quần đảo Nam Kuril với Nga được xem là động thái nhằm phá vỡ thế gọng kìm trên vùng biển Hoa Đông.
Nếu vấn đề Nam Kuril được gác qua một bên đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ chỉ phải đối mặt với Trung Quốc để giải quyết xung đột tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên vùng biển Hoa Đông.
Chọn Nga làm đối tác phát triển toàn diện được coi là bước đi mang tính chiến lược của Nhật Bản, bởi lẽ Tokyo hiểu rõ đâu là mối nguy hiểm thực sự đối với chủ quyền của nước này.
Cách đây không lâu, ngày 21/8, 4 tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku , trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa của Nhật Bản khoảng 400 km về phía Tây và hiện do Nhật Bản kiểm soát. Thế nhưng, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển xung quanh quần đảo này.
Đại An (Tổng hợp)Nguồn tin: baodatviet