Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa xin nhận kỷ luật

Thứ tư - 27/03/2013 07:14 1.138 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Theo Báo Tuổi Trẻ ngày 26.3, ông Nguyễn Chiến Thắng- với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, địa phương có số vụ tai nạn, tử nạn vì tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao trong quý I/2013- đã xin nhận kỷ luật trước Chính phủ.

 

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, ông Lê Hồng Anh- thường trực Ban Bí thư- cho rằng, dù có nhiều chủ trương về lập lại trật tự an toàn giao thông, kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, nhưng những chủ trương, giải pháp này đã không được thực hiện quyết liệt, khiến hiệu quả đạt thấp.

Xin nhận kỷ luật trước Chính phủ

Là địa phương có số vụ tai nạn, tử nạn vì tai nạn giao thông tăng cao trong quý I/2013, ông Nguyễn Chiến Thắng- Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa- phát biểu: “Khánh Hòa là địa phương dẫn đầu cả nước về cả ba tiêu chí tăng số vụ tai nạn, tăng số người chết, tăng số người bị thương. Riêng số vụ tai nạn nghiêm trọng ở Khánh Hòa trong thời gian qua cũng rất lớn. Tôi xin nhận kỷ luật trước Chính phủ” - ông Thắng nói.

Đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu- một trong 10 tỉnh, thành có tỉ lệ tai nạn giao thông tăng cao trong quý I/2013- cũng cho rằng, thực trạng hạ tầng giao thông là một trong những vấn đề rất đáng lo. Thậm chí, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn kiến nghị Bộ GTVT ủy quyền cho địa phương giải quyết nhanh những điểm hư hỏng trên quốc lộ qua địa bàn để các tuyến quốc lộ được sửa chữa kịp thời.

Theo ông Nguyễn Hữu Lợi - Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ- việc kiểm tra, kiểm định các phương tiện giao thông một cách qua loa, sau đó lại cho lưu hành cũng là nguyên nhân khiến gia tăng tai nạn giao thông.

Ông Lợi nói thêm: “Cả nước hiện nay vẫn căng thẳng chuyện rải đinh ở các quốc lộ. Từ ngày có cầu Cần Thơ, tình trạng rải đinh rất căng thẳng. Họ rải đinh để vá xe, nhưng rất nhiều tai nạn thương tâm, thậm chí có người chạy xe chẹt phải cái đinh là mất mạng. Tuyên truyền nhiều nhưng vẫn phải có hình thức xử lý nghiêm, tôi đề nghị cần xem xét việc rải đinh như một hành vi giết người”.

Chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm liên đới

Tại hội nghị, đại diện nhiều tỉnh, thành cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông nghiêm trọng đang gia tăng là do chuyên môn, đạo đức lái xe, đặc biệt là lái xe khách, lái xe vận tải... đang “tụt dốc”.

Thậm chí, tình trạng lái xe nghiện ma túy cũng rất phổ biến. “Ngoài trách nhiệm của lái xe, rất cần bổ sung thêm trách nhiệm của chủ phương tiện đối với các đơn vị vận tải hành khách. Chủ phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi có tai nạn và bắt buộc phải mua bảo hiểm cho hành khách. Nếu không, chỉ bồi hoàn một khoản nhỏ nào đó là hết trách nhiệm thì không đủ sức răn đe. Cần quy định chủ phương tiện gây tai nạn phải có trách nhiệm bồi hoàn và nuôi dưỡng con của người bị nạn đến 18 tuổi” - ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM- đề xuất.

Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, thực tế hiện nay cho thấy ngay cán bộ, công chức cũng chưa thấm nhuần thực hiện chủ trương, giải pháp giảm tai nạn giao thông.

“Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức uống rượu rồi chạy xe. Vì vậy, Cần Thơ xác định sẽ làm mạnh từ đội ngũ cán bộ, nghiêm cấm việc uống rượu bia và coi đây là một trong những tiêu chí xét thi đua hằng năm. Trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm về mặt đảng và chính quyền, trong xử lý sẽ nghiêm cấm can thiệp, sau đó sẽ công khai kết quả ở cơ quan công tác” - ông Lợi nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Hồng Anh yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, đẩy nhanh các dự án phát triển hạ tầng giao thông. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo, cấp phép cho lái xe.

Mỗi tháng 866 người chết vì tai nạn giao thông

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trong ba tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 6.528 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.599 người, bị thương 6.405 người. “Số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, những tháng còn lại của năm 2013 đòi hỏi sự nỗ lực và quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông để thực hiện mục tiêu giảm 5-10% cả ba chỉ tiêu” - ông Thăng nói. Theo số liệu của 3 tháng, mười tỉnh, thành có số người chết vì tai nạn giao thông tăng trên 30% gồm: Khánh Hòa, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Đắc Lắc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Bình Thuận, Ninh Thuận, Nghệ An.

Ý kiến bạn đọc

MINH TRÍ - 27/03/2013 09:18

Không phải chỉ lãnh đạo địa phương nhận trách nhiệm mà Bộ Giao thông cũng phải nhận thấy trách nhiệm của mình. Trong thời gian vừa qua nguyên nhân xảy ra tai nạn lý do chủ yếu là do tài xế chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, chất lượng xe không đảm bảo an toàn, tuy nhiên bên cạnh đó cơ sở hạ tầng thấp kém, chất lượng các tuyến đường giao thông xuống cấp , đường ở miền núi quá hẹp, quanh co khuất tầm nhìn, cũng là nguyên nhân không đảm bảo an toàn trong giao thông gây ra các vụ tai nạn. Hiện nay các tuyến đường quốc lộ đều do Bộ giao thông vận tải quản lý từ khâu đầu tư xây dựng làm mới đến bảo dưỡng bảo trì đường bộ, các địa phương không có thẩm quyền trong vấn đề nâng cấp mở rộng hay duy tu sửa chửa. Chính vì vậy việc Chủ tịch UBND Tỉnh Khánh hòa xin nhận kỷ luật trước Chính phủ là một hành động đáng được khen ngợi, tuy nhiên cần phải rõ trong đó có trách nhiệm của Bộ giao thông vận tải vì là đơn vị trực tiếp quản lý các tuyến đường quốc lộ trong cả nước. Chúng ta biết trên các tuyến đường bộ có nhiều làn xe khác nhau, bao gồm cả đường cao tốc, dải phân cách là khu vực phân chia hai làn xe có chiều giao thông ngược nhau. Tuy nhiên trong thời gian qua các tuyến đường quốc lộ như quốc lộ 1a, quốc lộ 14,26, 27 vv.. ở các khu vực miền núi, tây nguyên Bộ giao thông vận tải ít quan tâm đầu tư xây dựng dải phân cách giữa, qua theo dõi các vụ tai nạn xãy ra đa phần các xe va chạm đối đầu trực tiếp với nhau, nếu có dải phân cách giữa chắc chắn tình trạng sẽ được hạn chế. Thực tế đã chứng minh vụ tai nạn xảy ra lúc 11 giờ 30, ngày 18-3 trên Quốc lộ 1K, đoạn qua địa bàn xã Đông Hòa, huyện Dĩ An - Bình Dương. Nhờ có những dải phân cách chắc chắn nên tránh được một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra cho khu vực trạm thu phí, bởi chiếc xe ben mất thắng gây “náo loạn” trên đường. Hiện nay tuyến đường quốc lộ 1a đọan qua khu vực thị trấn, thị tứ như đọan đường qua thành phố Cam ranh, tỉnh Khánh hòa, qua theo dõi liên tục xãy ra nhiều vụ tai nạn đã làm nhiều người bị thương tật, tử vong, Ban an tòan giao thông địa phương xác định là điểm đen, nhưng đến nay chưa được Bộ Giao thông vận tải khắc phục. Nếu được Bộ giao thông quan tâm nâng cấp đầu tư mở rộng đọan đường này và có xây dựng dải phân cách giữa thì có lẽ sẽ khắc phục được vụ tai nạn đã xãy ra vừa qua. Còn tuyến đường quốc lộ 14 đi qua 5 tỉnh ở miền núi, tây nguyên quá xấu xuống cấp trầm trọng, đường quá hẹp quanh co khúc khủy, khuất tầm nhìn, nhiều năm qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông, đề nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên quan tâm sớm nâng cấp mở rộng các tuyến đường quốc lộ, nhất là các đọan đường thường xuyên xãy ra nhiều vụ tai nạn và các đọan đường đèo quanh co, khúc khủyu khu vực miền núi, tây nguyên sớm xây dựng dải phân cách giữa. Về lâu dài các tuyến đường quốc lộ 1a nên xây dựng từ 6 đến 8 làn xe trở lên và có dải phân cách giữa, còn ở khu vực miền núi và tây nguyên nên xây dựng tiêu chuẩn cấp đường là cấp 3 đồng bằng bề rộng thân đường là 21m và có dải phân cách giữa, hi vọng tình hình an toàn giao thông sẽ được đảm bảo.

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại55,407
  • Tổng lượt truy cập41,236,008
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây