Chuỗi tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông

Thứ bảy - 18/05/2013 22:07 1.091 0
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang tự hủy hoại lợi ích cốt lõi của chính mình bằng những hành động biến biển Đông thành “ao nhà”.

 

Xua 32 tàu cá xuống khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rồi lại đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt ở biển Đông với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa từ hôm qua cho đến 1.8. Từ những hành động trên, các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc đang đi ngược lại cam kết của chính mình về việc tìm kiếm một giải pháp cùng có lợi cho vấn đề biển Đông.

Ngày 16.5, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại T.Ư kịch liệt phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.  

 

 Chuỗi tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông
Vị trí khu vực cấm đánh bắt và đội tàu cá Trung Quốc - Đồ họa: Du Sơn

Lấn cả vào Indonesia

Theo Tân Văn xã, lệnh cấm đơn phương nói trên được áp đặt cho khu vực từ vĩ tuyến 12 kéo lên đến ranh giới biển giữa tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến của Trung Quốc. Trong khi đó, đội tàu cá Trung Quốc đi thẳng xuống “sát mí” bản đồ đường lưỡi bò và đánh bắt trong vùng biển tây nam Trường Sa với tọa độ hiện nay là 6,01 độ vĩ bắc, 108,48 độ kinh đông. Như vậy, rõ ràng là “Trung Quốc ngang nhiên thách thức các nước liên quan đuổi tàu cá của họ ở phía nam đồng thời lại ngăn cấm các nước đó vào đánh bắt ở phía bắc”, tiến sĩ James Holmes (Trường Chiến tranh hải quân Mỹ) nói với Thanh Niên. Ông Holmes cảnh báo: “Đối với Trung Quốc, khi đụng đến lợi ích cốt lõi, sẽ chỉ có một viễn cảnh duy nhất: Chúng tôi được, các người mất. Luật ở “ao nhà” sẽ dần dà trở thành luật chung nếu các bên liên quan không có cơ chế phản đối hữu hiệu”.

 

 
 

Luật ở “ao nhà” sẽ dần dà trở thành luật chung nếu các bên liên quan không có cơ chế phản đối hữu hiệu

 

Tiến sĩ James Holmes (Trường Chiến tranh hải quân Mỹ)

 

Bên cạnh đó, đây là đoàn tàu cá Trung Quốc hoạt động ở vị trí “xa nhất về phía nam”, theo GS David Arase (ĐH Nam Kinh - Trung Quốc). Trả lời phỏng vấn với Thanh Niên, ông Arase nhận định: “Đây là một phần trong tham vọng chiếm đóng các khu vực mà Bắc Kinh tự cho là thuộc chủ quyền của mình”. Tham vọng đó đang thể hiện đến mức tọa độ như trên, đội tàu cá của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm thềm lục địa Việt Nam và “vào cả vùng đặc quyền kinh tế của một nước không có tranh chấp tại biển Đông là Indonesia”, theo tiến sĩ Alexander Vuving thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Mỹ). Từ đó, ông cho rằng Trung Quốc đang muốn hợp pháp hóa “đường lưỡi bò” bằng một sự tự tin thái quá. 

“Tự hủy diệt”

GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) giải thích với Thanh Niên rằng chiến dịch như trên của Trung Quốc là do ngư dân nước này đã “tận diệt hết nguồn thủy sản tại tỉnh Hải Nam”. Ông Thayer nhấn mạnh: “Trung Quốc làm vậy cũng là tự hủy diệt lợi ích cốt lõi của chính mình. Bằng việc đánh bắt quá mức và gây ô nhiễm trên vùng biển khai thác, Trung Quốc về lâu dài không chỉ tận diệt nguồn thủy sản của các nước láng giềng mà còn đe dọa an ninh lương thực của chính mình. Nên nhớ là khoảng 10% đơn đặt hàng trên thế giới lệ thuộc vào lượng cá đánh bắt được ở biển Đông. Tự hủy diệt còn ở chỗ, động thái ngang ngược của Bắc Kinh chỉ càng làm mâu thuẫn giữa họ và các nước tranh chấp trầm trọng thêm”.

Trước tình hình như vậy, các chuyên gia cho rằng nhu cầu có một cơ chế quản lý nguồn lợi thủy sản hiệu quả trên biển Đông là vô cùng bức bách. Tiến sĩ Sam Bateman (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore) nói: “Hợp tác cùng quản lý nguồn thủy sản là nghĩa vụ của các bên tham ký Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) lẫn Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC). Thiếu một cơ chế như vậy sẽ rất dễ dẫn đến “thảm kịch của tài nguyên chung” và các bên liên quan đều mất trắng”.

Tuy nhiên, viễn cảnh “cùng hợp tác” có vẻ quá xa vời như kết luận của tiến sĩ Holmes: “Lấy gì mà đàm phán cùng hợp tác khi Trung Quốc cứ khăng khăng theo phương thức “kẻ mạnh lấy tất cả” đối với nguồn thủy sản hiện nay tại biển Đông?”.

 

Báo Trung Quốc kích động Đài Loan bắn tàu, máy bay Việt Nam

Ngày 15.5, báo mạng China.com.cn của Trung Quốc ngang nhiên đăng bài phân tích với tựa đề  Hai bờ chia nhau trị Philippines, Việt Nam mới có hiệu quả. Sau đó, bài này được Nhân Dân nhật báo đăng lại. Bài xã luận mang giọng điệu cực kỳ kích động khi xúi Đài Loan không cần cảnh báo mà lập tức bắn cháy chiến đấu cơ, tàu chiến của Việt Nam nếu đi vào vùng biển Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Đài Loan chiếm đóng phi pháp. Rõ ràng bài báo thể hiện lối suy nghĩ cực kỳ nguy hiểm, bất chấp luật pháp quốc tế và mọi cam kết lâu nay của chính giới lãnh đạo Trung Quốc về “không sử dụng vũ lực, bảo đảm hòa bình, ổn định trên biển Đông”.

Mục tiêu của bài xã luận là nhân căng thẳng liên quan tới vụ lực lượng Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan hôm 9.5 để lôi kéo Đài Loan về cùng một phía với Bắc Kinh trong tranh chấp trên biển Đông. Theo đó, sau khi Đài Loan nổ súng, nếu Việt Nam phản công thì Trung Quốc sẽ lập tức nhảy vào. Bài báo rêu rao rằng chính Trung Quốc chứ không phải Mỹ có thể bảo vệ quyền lợi trên biển của Đài Loan chống lại Việt Nam và Philippines.

Đến ngày 16.5, Hoàn Cầu thời báo cũng thừa cơ đăng xã luận kêu gọi Đài Loan cùng đại lục theo đuổi  “chiến thắng toàn diện để bảo vệ chủ quyền trên biển cho nhân dân Trung Hoa”.

Văn Khoa

 

Đi kèm tàu cá là tàu chiến

Theo Reuters, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc vừa tiến hành tập trận tấn công và chiếm tàu ở gần quần đảo Trường Sa. Cuộc tập trận diễn ra ngày 12.5 nhưng đến nay mới được công bố. Cùng ngày, một số tàu thuộc Hạm đội Đông Hải cũng tiến xuống biển Đông để tập trận và tuần tra. Đài CCTV (Trung Quốc) dẫn lời giới chức Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố các động thái phi pháp trên là nhằm “bảo vệ quyền lợi của ngư dân hoạt động trong khu vực”. Việc tàu chiến được triển khai đồng thời với chuyến đánh bắt trái phép của 32 tàu cá Trung Quốc tại Trường Sa khiến dư luận đặt câu hỏi về ý đồ thực sự của “hạm đội hỗn hợp” này có đơn thuần chỉ là “đánh bắt và bảo vệ” hay không.

Trong một diễn biến liên quan, trên mạng xã hội Sina của Trung Quốc vừa xuất hiện bài viết công phu của tác giả Lý Oa Đằng phân tích tính chất phi lý, mơ hồ, vô căn cứ của bản đồ đường lưỡi bò và kêu gọi việc mau chóng bãi bỏ nó. Bài viết đã được học giả Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm thông tin hải dương Trung Quốc, người thường phản đối đường lưỡi bò và chống lại luận điệu sai trái, hiếu chiến của một bộ phận học giả, tướng lĩnh nước này, đăng lại trên trang cá nhân.

Trọng Kha

An Điền

MINH TRÍ
XỬ LÝ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG CẦN SỰ CAN THIỆP LUẬT PHÁP QUỐC TẾ Trung quốc ra Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông năm 2013 từ 12 giờ ngày 16-5 đến 12 giờ ngày 1-8-2013 với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam, đồng thời đưa đội tàu cá 32 chiếc của Trung Quốc đã bắt đầu thả neo và đánh bắt trái phép tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam kể từ 16 giờ 45 phút ngày 13.5, đây là thể hiện ý đồ nhằm xác định rõ cho các nước Đông nam á và trên thế giới biết đây là vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Đã đến lúc ta không thể nhân nhượng được càng nhân nhượng họ càng lấn tới. Thời gian vừa qua Trung quốc liên tục có những hành vi gây hấn trên vùng biển Đông thuộc chủ quyền nước ta, Trung Quốc tiến hành một loạt các hoạt động phi pháp tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có phê duyệt thành lập Đài phát thanh và truyền hình Tam Sa, Đài truyền hình vệ tinh Tam Sa cũng như tờ Nhật báo Tam Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cử tàu hải giám tuần tra phi pháp tại khu vực Hoàng Sa, ngang ngược xua đuổi 2 tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 96417 TS và QNg 96382 TS đang hoạt động bình thường và hợp pháp tại khu vực này. Mới đây nhất là tàu Trung quốc bắn cháy tàu cá Việt nam, tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và bây giờ là tiếp tục đưa 32 tàu cá lớn ra ngư trường tại Trường Sa của chúng ta để đánh bắt thủy sản là chuỗi hành động mang tính hệ thống, có tính chất leo thang với ý đồ toan tính rất rõ nhằm chiếm lĩnh và xâm chiếm vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đối với quần đảo Hoàng sa, Trường sa, chúng ta đã có nhiều chứng cứ lịch sử xác định rõ chủ quyền không thể chối cải được, đã đến lúc chúng ta phải bằng mọi giá ngăn chặn không để phía Trung quốc thực hiện ý định của họ, nếu không bảo vệ được thì toàn bộ diện tích vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của nước ta trên 160.000km2 sẽ bị xâm phạm. Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Do vậy, Bộ ngoại gia nước ta sớm đưa vụ việc trên báo cáo trước Đại hội đồng liên hiệp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và các nước trên thế giới biết ủng hộ, nếu Trung quốc vẫn không chấp nhận thì tiếp tục đề nghị Tòa án quốc tế về Luật biển của Liên hiệp quốc đứng ra giải quyết tranh chấp. MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay7,123
  • Tháng hiện tại60,845
  • Tổng lượt truy cập41,128,648
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây