Sáng nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (gọi tắt quy chế phát ngôn). Quy chế phát ngôn có nhiều điểm thay đổi bổ sung những bất cập và nhấn mạnh những điểm dễ gây hiểu lầm từ quy chế phát ngôn cũ.
Họp báo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí |
Theo đó, ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 25/2013/ QĐ-TTg ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Quyết định và quy chế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 (thay cho quy chế ban hành năm 2007). Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng đã công bố 9 điểm mới thay đổi của Quy chế phát ngôn mới ban hành.
Quy chế mới chỉ rõ hơn đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh. Đối tượng áp dụng người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước. Quy chế còn được phân rõ hơn gồm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, người được người đứng đầu cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ là người phát ngôn và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm của cơ quan mình phát ngôn, trong trường họp cần thiết.
Vấn đề cung cấp thông tin của cá nhân thuộc cơ quan hành chính nhà nước, quy chế phát ngôn cũ khiến một số cơ quan hành chính hiểu lầm coi đó là “bình phong” để “né cung cấp thông tin” cho báo chí cũng được quy chế mới giải thích rõ hơn. Cục trưởng cũng lưu ý: “Trong 5 năm thực hiện quy chế phát ngôn cũ thì nhiều người trong cơ quan nhà nước hiểu sai, cho rằng việc cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm của người phát ngôn”. Một điều quy định thêm, trong luật: “mọi tổ chức cá nhân đều có quyền thông tin cho báo chí”. Chương đầu đã làm rõ hơn quy chế phát ngôn cũ. Cá nhân khác đều có quyền thông tin báo chí...
Ông Lượng kể ví dụ minh họa vụ việc cung cấp thông tin của một trưởng phòng pháp chế Bộ Y tế, được báo Lao Động đăng tải, có quan chức đã truy vấn vì sao ông này có quyền cung cấp thông tin cho báo chí. Ông Lượng cho biết: "Mọi công dân và công chức cơ quan nhà nước đều có quyền cung cấp thông tin theo quy định của Luật báo chí, chỉ có điều không nhân danh cơ quan để cung cấp thông tin".
Vấn đề về thời gian cung cấp thông tin cũng được rút ngắn hơn ở quy chế mới. Đối với cung cấp thông tin định kỳ: Hàng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử của cơ quan mình theo các quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ. Ít nhất 3 tháng 1 lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí (rút ngắn so với quy chế cũ 6 tháng). Đối với những trường hợp đột xuất bất thường chậm nhất cung cấp trong vòng 1 ngày.
Tại quy chế mới còn quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sai sự thật. Quy định này sẽ là câu trả lời cho việc những vụ “lùm xùm” người phát ngôn phát ngôn sai mà vẫn vô sự trong thời gian qua. Cục trưởng nhấn mạnh: “Bất luận trong trường hợp nào, dù người đứng đầu cung cấp thông tin cho báo chí hay người phát ngôn phát ngôn sai thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”.
Ngoài ra quy chế còn quy định rõ những trường hợp được từ chối không phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và trách nhiệm cơ quan báo chí thông tin. Những vấn đề về xử lý vi phạm tuy không quy định chi tiết nhưng đã có nhắc đến trong quy chế phát ngôn lần này.
Cuối buổi họp báo, Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng đã trả lời, giải đáp thắc mắc của các phóng viên về quy chế phát ngôn mới và vấn đề thực hiện quy chế phát ngôn của các cơ quan hành chính Nhà nước trong thời gian qua. Ông cũng lưu ý phóng viên cần tuyên truyền rộng rãi quy chế phát ngôn này và kịp thời báo về Bộ Thông tin và Truyền thông những biểu hiện không thực hiện và áp dụng sai quy chế phát ngôn của Chính phủ.