GlaxoSmithKline có “hành vi như mafia” Năm nhân viên bán dược phẩm cho các công ty nước ngoài nói với BBC rằng các công ty của họ đã hối lộ để tăng doanh thu. Tất cả những người này muốn giấu tên vì lo ngại sẽ mất việc.
Tiết lộ này đưa ra trong lúc có bê bối hối lộ ở Trung Quốc liên quan tập đoàn GlaxoSmithKline. Một người bán hàng cho BBC hay, công ty ông ta trả 1.000USD để sản phẩm của mình được bày trở lại trên kệ thuốc của một bệnh viện.
“Chúng tôi tìm kiếm một cách thức nhanh chóng”- người này nói.
Ông ta thừa nhận rằng khoản tiền này có thể để hối lộ và cấp trên ông ta đã ký duyệt. “Có lẽ chúng tôi còn tốn hơn nếu không hối lộ”- ông nói.
Tháng trước, công an Trung Quốc cáo buộc Tập đoàn GlaxoSmithKline của Anh có “hành vi như mafia”. GSK bị tố cáo chuyển đến 320 triệu bảng (xấp xỉ 500 triệu USD) thông qua các dịch vụ lữ hành để giúp hối lộ bác sĩ và quan chức. GSK cho biết, hãng này đang hợp tác điều tra vụ việc.
Tháng trước, một giám đốc điều hành người Trung Quốc của GSK đã bị bắt giữ và thú nhận trên truyền hình quốc gia rằng công ty của ông đã đưa tiền hối lộ và điều này khiến giá sản phẩm tăng một phần ba.
Tham nhũng - một vấn đề trong ngành y Khi Bắc Kinh nới rộng các quy định về y tế, chi tiêu của chính phủ gia tăng nhanh; người ta ước tính khoảng 385 tỉ USD trong năm 2011. Con số này sẽ tăng hơn gấp đôi vào cuối thập niên này - theo một báo cáo của Công ty tư vấn McKinsey.
Chính phủ Trung Quốc đã nói rõ rằng cải cách là cần thiết để kiềm chế chi phí. Nó được bắt đầu với ngành dược qua cuộc điều tra về chuyện thao túng giá liên quan 60 công ty nước ngoài và Trung Quốc.
GlaxoSmithKline hiện đang dính nghi án đã nói rằng dường như một số cán bộ địa phương của họ hành động vượt ra ngoài "quy trình" của công ty.
Năm nhân viên làm việc cho các hãng dược nước ngoài khác cũng xác nhận với BBC rằng tham nhũng là một vấn đề.
"Tôi không phủ nhận (việc đưa tiền cho bác sĩ) xảy ra ở các công ty nước ngoài"- nhân viên chào hàng này nói. "Tuy nhiên, chuyện đó rất hiếm và chỉ rất ít người nhận hối lộ"- ông nói thêm.
Trong một hệ thống y tế vốn quá tải bệnh nhân, tham nhũng là một bí mật mà ai cũng biết. BBC còn quay được phim cảnh chào bán bất hợp pháp lịch khám ngay bên ngoài một bệnh viện ở Bắc Kinh. Những "cò" này cho biết, họ đã làm việc này từ lâu, thậm chí họ có cả danh thiếp. Một "cò" nói nếu phóng viên BBC trả cho ông ta 50USD, ông sẽ xếp cho phóng viên BCC lịch khám ngay chiều hôm đó. Nếu không, theo đúng lịch, bệnh nhân sẽ phải chờ hàng tuần.
|
Thuốc u não của anh Trương Yên Sinh. Các gia đình Trung Quốc thường phải dùng tới tiền tiết kiệm khi ốm đau. |
Người dân oằn mình với gánh nặng giá thuốc Tại nhà mình ở ngoại ô Bắc Kinh, cô Dương Oanh Hạp đang bận rộn chuẩn bị bữa ăn tối. Cô nấu món mì trong khi mẹ chồng dõi mắt quan sát.
Cuộc sống của Oanh Hạp - một phụ nữ 39 tuổi - khá khó khăn. Chồng cô - Trương Yên Sinh, 41 tuổi - bị u não và không thể đi lại hay nói được.
Giống như hơn 95% dân số, anh Sinh có bảo hiểm y tế, nhưng bảo hiểm lại không thanh toán tất cả mọi chi phí.
Oanh Hạp làm người soát vé xe buýt, song cô phải dành toàn bộ tiền lương - khoảng 600USD - trả tiền thuốc men cho chồng, nên gia đình họ sống nhờ sự hỗ trợ của người thân.
"Khi chồng tôi bị bệnh, anh còn là một thanh niên"- Oanh Hạp nói. "Tiền tiết kiệm chúng tôi chẳng có là bao. Tiền thuốc men là một gánh nặng rất lớn đối với chúng tôi".
Vào lúc này, hy vọng tốt đẹp nhất mà họ có là làm sao đủ sống cho qua ngày.
Các gia đình ở Trung Quốc chi tiêu một lượng khá lớn tiền tiết kiệm của họ khi bị bệnh. Bằng việc giải quyết tình trạng tham nhũng, chính quyền nước này hy vọng sẽ khiến dịch vụ chăm sóc y tế rẻ hơn.
Tổng hợp từ BBC