Trên lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cũng có nhiều khởi sắc. Hiện nay, toàn huyện có 539 cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản lượng đạt được trong năm 2012 là hơn 850 tỷ đồng. Khu công nghiệp Tâm Thắng đã có 33 dự án vào đầu tư; trong đó có 12 nhà máy đang hoạt động, 2 dự án đang đầu tư xây dựng cơ bản, 25 dự án đã đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp (tính cả các dự án đã đăng ký đầu tư) đạt gần 80%, tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động. Cùng với việc phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội cũng được huyện tập trung giải quyết, nhờ đó đã tạo được sự cân bằng, ổn định, toàn diện trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Huyện đặc biệt quan tâm tới đời sống của các hộ đồng bào dân tộc nghèo, dân tộc thiểu số gắn liền việc giải quyết đất ở, đất sản xuất với sự trợ giá, trợ cước các mặt hàng theo quy định; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành chương trình 132,134 của Chính phủ về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình làm nhà ở theo chương trình 167 giai đoạn 2, với tổng kinh phí xây dựng là 494 triệu đồng, huyện cũng đã huy động các doanh nghiệp góp vốn và trích tiền từ “quỹ vì người nghèo” của huyện để hỗ trợ 740 triệu đồng cho 21 hộ nghèo làm nhà ở, đã bàn giao 80 căn nhà cho các hộ nghèo. Hơn 98% số hộ trên toàn huyện được sử dụng điện; tất cả các buôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đều có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực, đã huy động được nguồn lực trong nhân dân trong việc hiến đất, tài sản trên đất và đóng góp tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đã làm tốt công tác tuyên truyền, công tác vận động quần chúng, đã nêu cao được trách nhiệm công dân trong xây dựng nông thôn mới. Đã lồng ghép tốt các chương trình MTQG về đầu tư xây dựng nông thôn mới có chất lượng hiệu quả, như vốn Kiên cố hóa kênh mương, xây dựng đường Bê tông giao thông nông thôn ở các xã. Các địa phương triển khai tốt như: xã Nam Dong, Tâm Thắng, Cư Knia và Đăk Đrông. Đã nâng cấp, làm mới được 56,6 km đường GTNT; trị giá 43.021 triệu đồng; trong đó vốn huy động nhân dân 15.869 triệu đồng. Đến nay hơn 60% các tuyến đường ở thôn, buôn, bon, tổ dân phố đều đã được bê tông, nhựa hóa, các tuyến đường đến trung tâm các xã đều được nhựa hóa. Ngoài ra, lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng…cũng được UBND huyện quan tâm làm tốt. Phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng và tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện.
Để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sánh pháp luật của Nhà nước, các qui định của địa phương. Trong những năm qua, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện đã trở thành cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, góp phần định hướng nhân dân tạo thành khối đoàn kết thống nhất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện thực hiện tốt việc tiếp phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài PT-TH tỉnh Đăk Nông, hàng tháng Đài huyện còn xây dựng chương trình thời sự của huyện gồm 12 chương trình phát thanh và 09 chương trình truyền hình, 08 chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, 08 chuyên mục tuyên truyền Pháp luật và đã xây dựng được Trang Thông tin điện tử của Đài hoạt động thường xuyên và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của cán bộ và nhân dân trong huyện.
( Đài Truyền thanh - Truyền hình Cư Jút - Đăk Nông )
Nguồn tin: Đài truyền thanh huyện Cư Jút