Trường học lớn đối với các thế hệ mai sau
Từ trên cao nhìn xuống Côn Đảo như một con gấu lưng tựa vào đất liền đang đứng nhìn ra biển Đông. Đây là một quần đảo tiền tiêu nằm ở phía Đông Nam nước ta, gồm 16 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 76km2. Đảo lớn Côn Đảo (còn gọi là Côn Lôn) có diện tích 51,52 km2, chiều dài khoảng 15 km, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 9 km.
Hiện Côn Đảo là một huyện thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chính quyền một cấp, thông qua các cơ quan huyện trực tiếp đến địa bàn dân cư. Thị trấn Côn Đảo cách Vũng Tàu 97 hải lý, có 10 khu dân cư với dân số khoảng 7.000 người. Mọi hoạt động về kinh tế, chính trị và xã hội của huyện đảo đều được tập trung ở đây.
Chuồng Cọp, nơi kẻ thù giam cầm, tra tấn những chiến sĩ kiên trung |
Cùng đoàn người (chủ yếu là học viên lớp Cập nhật chính sách mới về tài chính do Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ thuộc Kiểm toán Nhà nước tổ chức) tôi tới thăm khu Di tích lịch sử Côn Đảo. Qua tìm hiểu được biết nhà tù Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng ngày 1/2/1862.
Hệ thống nhà tù qua 2 thời kỳ Pháp - Mỹ xây dựng ở đây gồm 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng biệt lập. Bên cạnh đó còn có các sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai. Trải qua 113 năm tồn tại, nhà tù Côn Đảo đã giam cầm, đầy ải hàng vạn chiến sĩ yêu nước và cách mạng xả thân cho độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc.
Tôi đã được biết Côn Đảo qua đọc, nghiên cứu sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng khác, nhưng khi đến thăm một số trại giam như: Phú Hải, Phú Sơn và đặc biệt là khu “chuồng cọp Pháp” ở Phú Tường, “chuồng cọp Mỹ” ở Phú Bình..., tận mắt chứng kiến những chứng tích mà kẻ thù tra tấn, hành hạ các chiến sĩ yêu nước và cách mạng mới cảm nhận rõ hơn “nơi đây là địa ngục trần gian”, nơi dã man nhất, tàn bạo nhất phơi bày đầy đủ bản chất tàn bạo phi nhân tính của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; đồng thời là nơi ngời sáng lên phẩm chất và nghị lực phi thường của con người Việt Nam.
Lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên đã tái hiện trong tôi những ngón đòn tra tấn, nhục hình dã man có một không hai của bọn cai ngục đối với các chiến sĩ trung kiên: Xà lim 4m2 chúng giam 18 người, 7 ngày mới cho đổ thùng cầu một lần. Mùa nóng thì chúng ném vôi bột xuống, mùa lạnh thì chúng dội nước bẩn vào làm cho buồng giam lúc nào cũng nồng nặc mùi vôi hoặc ẩm ướt.
Nếu người tù phản kháng lại thì từ trên cao chúng dùng gậy dài đầu bịt đồng thọc xuống không cần biết trúng ai và trúng chỗ nào, cho dù buồng giam đó là phụ nữ và có trẻ con. Đối với phụ nữ nhiều tháng liền cai ngục không cho tắm, đến nỗi chị em phải giữ lại nước tiểu để làm vệ sinh cá nhân, giặt đồ. Có người còn bị chúng bí mật biệt giam ngâm xuống hầm phân bò cho đến ngạt thở…Nhiều người trong đoàn đã lặng đi không thực sự tin vào tai mình và nghẹn ngào không cầm được nước mắt.
Du khách viếng thăm Nghĩa trang Hàng Dương |
Theo chỉ dẫn của một anh lái xe taxi, tôi tới thăm chú Nguyễn Văn Ước (tên thường gọi là Tư Hùng) quê ở xã Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, hiện đang sống ở Khu dân cư số I, thị trấn Côn Đảo. Chú Tư Hùng năm nay 74 tuổi, bị địch kết án khổ sai 20 năm đày ra Côn Đảo ngày 14/8/1959, vì hoạt động cách mạng. Tuy tuổi cao, sức yếu do bị địch tra tấn nhiều nhưng chú còn rất minh mẫn.
Chú cho biết: “Bọn chúa đảo, cai ngục rất xảo quyệt, chúng dùng đủ chiêu thức hòng làm lung lay ý chí của ta. Song địch càng tàn ác, dã man, ta càng kiên trung, khôn khéo. Khi bên ngoài ta thắng lớn, phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao thì trong tù cũng đồng loạt đấu tranh mạnh buộc kẻ địch phải chùn bước”.
Trong đoàn người tới tham quan khu Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, tình cờ tôi phát hiện một người luôn có ánh mắt trầm tư. Nghề nghiệp mách bảo, tôi đến bắt chuyện, được biết ông là Nguyễn Hữu Đức, hiện ở 91/30 đường Phan Văn Trị, TP. Hồ Chí Minh, là người làm việc cho chế độ cũ tại Côn Đảo cách đây 37 năm. Ông tần ngần tâm sự: “Là người làm việc tại văn phòng nên tôi biết rất rõ, các ông, bà tù chính trị rất kiên cường bất khuất. Trong các cuộc đấu tranh, nhất là đấu tranh chống ly khai cộng sản, chống chào cờ dù bị tra tấn chết đi sống lại, bị bỏ đói nhiều ngày nhưng họ vẫn không lùi bước. Trong số họ tôi nhớ có ông tên là Bành Văn Trân, ở trại Phú Bình bị tra tấn bầm dập hết cả người, rồi còn bị phơi sương, phơi nắng nhiều ngày ngất lên ngất xuống nhưng vẫn cương quyết chống ly khai. Chính sự kiên trung của các ông đã cảm hóa chúng tôi. Nhiều người trong chúng tôi đã làm cơ sở cung cấp thông tin cho họ.”
Nơi an nghỉ của gần 2 vạn chiến sĩ yêu nước và cách mạng
6 giờ chiều, Côn Đảo vẫn còn sáng vàng. Gió từ biển thổi vào làm cho tiết trời thêm se lạnh. Đoàn người tới viếng các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước an nghỉ ở Nghĩa trang Hàng Dương kéo dài. Nơi đây hàng vạn chiến sĩ yêu nước và cách mạng đã nằm xuống.
Trong đó có cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh… Không ai bảo ai nhưng tất cả đều ăn mặc chỉnh tề, có chị còn mặc áo dài và mọi người trật tự xếp hàng ngay ngắn tới dâng hoa, trái cây, thắp nhang ở lư hương, sau đó về các phần mộ thắp tâm nhang tưởng niệm.
Mộ nữ anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu thường xuyên có người đến viếng |
Buổi sáng khi lên máy bay thấy nhiều người xách giỏ trái cây, ôm những bó hoa lay ơn, cúc đại đóa tươi rói để ra Côn Đảo viếng các anh hùng liệt sĩ, tôi thực sự xúc động và tự trách mình sao không chuẩn bị trước. Đến chợ thị trấn Côn Đảo, nhiều loại hoa và trái cây đặc sản ở mọi miền đất nước được bầy bán. Được biết, nhu cầu hoa tươi và trái cây ở đây khá lớn nên tư thương đã vận chuyển từ đất liền ra đảo.
Nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo nơi an nghỉ của gần 2 vạn chiến sĩ yêu nước và cách mạng qua nhiều thế hệ đã hy sinh trước sự tàn bạo của thực dân và đế quốc. Đây là bằng chứng không bao giờ phai mờ, tố cáo tội ác phi nhân tính của quân xâm lược; đồng thời là một thiên anh hùng ca về lòng yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, lòng trung thành vô hạn với lý tưởng độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội - trường học lớn cho các thế hệ Việt Nam mai sau.
Điểm đến hấp dẫn say lòng người
Đó là câu nhận xét của một anh bạn cùng thả bộ trên đường Tôn Đức Thắng ngắm vịnh Côn Sơn với tôi khi chiều về. Cuối thu, bầu trời Côn Đảo thật thoáng đãng. Nước biển xanh như ngọc, trong vắt. Sóng vỗ êm đềm. Dải cát trắng dài tít tắp, phẳng lỳ. Bóng mát của hàng “cụ” bàng cùng với gió nhẹthổi từ biển vào càng tăng thêm cái cảm giác trong tôi về khí hậu nơi đây thật trong lành, thuần khiết.
Buổi sáng, mới xuống tới sân bay, người của khách sạn Phi Yến đã chờ đón chúng tôi theo thỏa thuận. Từ cái bắt tay, lời nói, nụ cười thân thiện đến việc xếp hành lý một cách trách nhiệm, gọn gàng làm cho chúng tôi thấy “thích” ngay “bác tài” này.
Vịnh Côn Sơn chiều về |
Con đường từ sân bay về thị trấn đẹp đến thơ mộng. Hai bên đường còn giữ được rừng gần như nguyên vẹn. Đoạn đường chỉ khoảng 15km mà “bác tài” đã giới thiệu tổng thể về vùng đất, con người Côn Đảo, cả quá khứ và hiện tại với chúng tôi. Nào là Côn Đảo cách TP Hồ Chí Minh, cách TP Bà Rịa –Vũng Tàu bao xa; trong 113 năm tồn tại nhà tù Côn Đảo giam cầm bao nhiêu chiến sĩ cách mạng, đã có bao nhiêu người hy sinh trước sự tàn bạo của kẻ thù; có bao nhiêu đời chúa đảo, sự gian ác của từng tên ra sao; truyền thuyết về bà (bà Phi Yến, vợ thứ của Nguyễn Ánh), cậu (con trai của bà Phi Yến và Nguyễn Ánh) Côn Lôn như thế nào. Rồi đến tiềm năng, thế mạnh của Côn Đảo là gì. Ở huyện đảo này không có xã, phường mà chỉ có khu dân cư, an ninh thì tuyệt vời, không có trộm cắp, tối ngủ không phải đóng cửa và cũng không cần có điểm giữ xe…
Tôi thật sự ngạc nhiên trước sự hiểu biết tường tận và cách nói năng lưu loát của anh không kém gì một hướng dẫn viên. Cũng chính vì điều đó mà trong thời gian lưu lại Côn Đảo đi đâu tôi cũng gọi xe anh. Được biết anh tên là Hoàng Văn Thuật, quê Gia Lâm-Hà Nội, tới đây lập nghiệp được 2 năm. Chính nghề nghiệp và tính cách con người Côn Đảo đã “dạy” anh phải tìm tòi học hỏi nhiều điều. Cũng từ anh, tôi đã tiếp xúc, trò chuyên với nhiều người, làm việc ở nhiều lĩnh vực, như cán bộ công nhân viên chức, ngư dân, người buôn bán hay chạy xe thồ và khẳng định: con người ở Côn Đảo thật thân thiện, dễ mến, họ thật thà và chất phác.
19 "cụ" bàng đường Tôn Đức Thắng (Côn Đảo) - Cây di sản Việt Nam |
Nói chuyện với chú Tư Hùng, tôi hiểu hơn tại sao con người ở Côn Đảo lại có những phẩm chất tốt đẹp như vậy. Chính là, sau ngày giải phóng, những người đầu tiên xung phong ở lại bảo vệ, xây dựng đảo là những chiến sĩ cách mạng trung kiên còn trẻ tuổi. Nhiệt huyết của họ đã lưu truyền cho các thế hệ sau.
Chú Tư tâm sự: “Ngày 1/5/1975, các trại tù đồng loạt đứng dậy, Côn Đảo được giải phóng. Tuy rất nhớ nhà, rất muốn về đất liền nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, tôi và hơn 150 anh chị em khác đã tình nguyện ở lại bảo vệ, xây dựng đảo. Dù được phân công làm nhiệm vụ nào, giữ cương vị gì nhưng mọi người đều giữ vững phẩm chất cách mạng. Tất cả đều chỉ có một mong muốn chung là bảo vệ vững chắc quần đảo tiền tiêu, và xây dựng huyện đảo giàu đẹp”.
Ông Tư Hùng là một trong năm người còn sống trong tổng số hơn 150 chiến sĩ cách mạng xung phong ở lại giữ gìn và xây dựng Côn Đảo |
Thị trấn xanh, sở hữu 79 cây di sản Việt Nam
Côn Đảo đẹp, có khí hậu trong lành nhờ còn giữ được sự hoang sơ, nguyên sinh của những cánh rừng xung quanh và “hệ thống” cây xanh được trồng trong thị trấn, đặc biệt là những quần thể cây di sản Việt Nam.
Theo tài liệu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thì tại thị trấn Côn Đảo có 7 quần thể và một cá thể cây di sản Việt Nam. Trong đó có 71 cây bàng, 5 cây thị, 2 cây bằng lăng, 1 cây điệp vàng và đều có tuổi đời trên 130 năm. Riêng 19 cây bàng cổ thụ ở đường Tôn Đức Thắng có tuổi đời gần 150 năm, mọi người thường gọi là hàng “cụ” bàng. Các “cụ” đều có thân to lớn, cành vặn xoắn vì gió biển, dáng cây hùng vĩ, cổ lão, tạo cho không gian nơi đây thêm trầm mặc, cổ kính.
Sân bay Côn Đảo được đầu tư nâng cấp đảm bảo cho máy bay lớn cất, hạ cánh |
Hiện cây bàng được xem là cây đặc thù của Côn Đảo. Chính cây bàng đã tạo cho Côn Đảo một nét riêng mà chỉ ở đây mới có, và nghề làm mứt hạt bàng đã ra đời tại vùng đất này. Du khách tới Côn Đảo đều không quên mua một ít mứt hạt bàng mang về làm quà. Đây là món quà đặc sản bình dị nhưng mang đậm dấu ấn Côn Đảo.
Qua tìm hiểu được biết, bên cạnh nghề khai thác hải sản thì du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Côn Đảo. Trong năm 2014 này, dự kiến có hơn 97 ngàn lượt khách tới tham quan, trong đó có 20% là khách quốc tế, với tổng doanh thu trên 1.000 tỉ đồng. Côn Đảo đang được Trung ương và tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và huyện đảo cũng đã có nhiều chính sách thông thoáng mời gọi các nhà đầu tư, nhằm hướng tới ngày càng hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch.
Hiện ở Côn Đảo có 38 cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn với tổng số hơn 500 phòng. Trong đó có khu Resort Six Senses Côn Đảo đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, được đầu tư xây dựng bằng 100% vốn nước ngoài. Ngành du lịch Côn Đảo phấn đấu hàng năm số lượt du khách tới tham quan và doanh thu tăng 10% so với năm trước.
Những con số trên là rất ấn tượng, song có lẽ ấn tượng hơn cả là Côn Đảo đã tạo cho mình một cái rất riêng mà ai đã đến một lần thì không thể nào quên. Đó là từ “địa ngục trần gian” trước kia, nay được xem như là “thiên đường địa giới”. Nơi đây có con người và thiên nhiên hài hòa và thân thiện.
Bài, ảnh: H.H
Nguồn tin: Báo Đăk Nông