Ngày 15.1 vừa qua, tại Bệnh viện (BV) Ung bướu Nghệ An, các thầy thuốc vui mừng tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) thứ 2 là chị Nguyễn Thị An - SN 1973, ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc - được ghép tế bào gốc (TBG) tạo máu tự thân điều trị ung thư vú. Với căn bệnh này, chị An đã từng phải phẫu thuật và điều trị hóa chất, qua khám xét, các bác sĩ (BS) quyết định ghép TBG tạo máu tự thân cho BN. Trải qua quá trình ghép TBG kéo dài hai tháng, BN đã có kết quả khả quan. Tủy mới bắt đầu mọc, phục hồi dần các dòng tế bào máu và hiện tại toàn trạng bệnh nhân ổn định, tủy xương sinh máu bình thường nên được ra viện. Trước đó, ca ung thư vú đầu tiên tại VN được điều trị bằng TBG thành công đã được thực hiện tại BV Ung bướu Nghệ An. Đó là chị Đinh Thị Liễu, SN 1962, ở thuyện Yên Thành, Nghệ An. Nói về ca ghép TBG tạo máu tự thân này, BS Trương Công Tú (Khoa Máu ghép tủy, BV Ung bướu Nghệ An) cho biết, BN được điều trị qua 3 giai đoạn với việc điều trị hóa chất, lấy TBG từ tủy xương, tách TBG rồi tiến hành ghép. Ca ghép có sự tham gia của 10 bác sĩ trong hơn hai giờ. Sau khi ghép, BN nằm hồi phục trong phòng đặc biệt 3 tuần.
Thành công của hai ca ghép TBG nói trên có sự tận tâm của đại tá, PGS-TS Nguyễn Trung Chính, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. PGS-TS Nguyễn Trung Chính cho rằng: “Hai ca ghép thành công này mở ra một hướng điều trị tích cực về bệnh ung thư vú, vì triệt bỏ được tận gốc tế bào ung thư trên cơ thể. Từ trước đến nay, phác đồ điều trị ung thư chỉ bằng các phương pháp thông thường như xạ trị, hóa trị nên chưa triệt bỏ tận gốc được tế bào ung thư”. Dẫu vậy, vẫn còn những trăn trở khi tổng chi phí cho việc điều trị theo phương pháp này lên tới khoảng 300 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả khoảng 100 triệu đồng, còn lại do bệnh viện và bệnh nhân chi trả.
Trẻ bại não hồi sinh
Cách đây không lâu, khi GS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc BV Vinmec - tự tin thông báo sẽ dùng TBG để điều trị bệnh bại não và chứng tự kỷ ở trẻ em, nhiều người rất nghi ngờ. Nhưng đến nay, việc bệnh nhi đầu tiên được ghép TBG ở VN cho thấy phương pháp ghép TBG để điều trị triệt để căn nguyên của các bệnh ung thư là hướng đi mới trong y học. PGS-TS Nguyễn Trung Chính cho biết, việc điều trị bại não thành công chứng minh sức mạnh thần kỳ của TBG trong cuộc chiến với những căn bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa. Bé Bùi Duy Nghĩa (19 tháng tuổi, Thanh Hóa) bị bại não, nên lúc được 10 tháng tuổi vẫn chỉ nằm bất động trên giường, thường xuyên co cứng người, không bò hay ngồi được. Với quyết tâm và đề nghị của bố mẹ bé Nghĩa, GS Liêm quyết định chọn bé Nghĩa là bệnh nhi đầu tiên ghép TBG chữa bại não. Bé được tiêm TBG 4 lần trong vòng 6 tháng. Lần tái khám mới đây cho thấy kết quả bước đầu rất khả quan. Hiện bé biết hóng chuyện, có phản xạ ê a, cười tít mắt, đập tay chân liên hồi khi mẹ gọi. Bé cũng phục hồi về thể chất, không còn những cơn co cứng, co rút và tay chân cử động khá linh hoạt.
Nói về kỹ thuật này, GS Liêm cho biết, TBG được lấy từ tủy sống tách chiết sau đó bơm lại vào máu và tủy sống của bệnh nhi để thay thế tế bào thương tổn, phát triển tế bào não mới và kích hoạt các tế bào bị hư tổn (nhưng chưa chết hẳn). Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ứng dụng TBG điều trị bại não có khả năng thành công 60 - 70%, cải thiện rõ nhất là khả năng vận động, tiếp đến là khả năng ngôn ngữ và nhận thức. Từ trước đến nay, bại não được cho là căn bệnh vô phương cứu chữa. Nhưng với liệu pháp TBG sẽ mang lại nhiều hy vọng mới cho trẻ bại não. Đến nay BV Vinmec đã điều trị cho gần 100 bệnh nhi bại não bằng TBG cho kết quả ngoài mong đợi.
Ngoài ra, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, BV Nhi T.Ư, BV Bạch Mai và BV Da liễu T.Ư cũng đã thu nhận được những thành công tốt đẹp trong điều trị các bệnh nặng như ung thư máu, thoái hóa khớp, tim mạch. TBG cũng đóng góp tích cực trong lĩnh vực da liễu, làm đẹp.
Tuy vẫn chỉ đang được thử nghiệm, những kết quả bước đầu rất khả quan của công nghệ TBG đã mang lại niềm tin cho nhiều người bệnh.