Giữ nguyên thang điểm 10
Theo Quy chế thi, đề thi của kì thi THPT Quốc gia đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ); đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng; đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10. Thang điểm này cũng được áp dụng đối với bài thi tự luận, lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm.
Bộ GDĐT dự kiến tổ chức kì thi vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 năm 2015. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại. Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ ngoài 4 môn thi tối thiểu phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.
Về cụm thi, Bộ GDĐT sẽ tổ chức cụm thi, gồm cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Những cụm thi này tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở Giáo dục chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Hạn cuối nhận hồ sơ là 30.4
Thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi theo hướng dẫn của các trường, hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30.4. Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị. Các cán bộ soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là giảng viên các trường ĐH, CĐ, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông. Mỗi môn thi có một tổ ra đề thi gồm Trưởng môn đề thi và các cán bộ soạn thảo đề thi.
Về tuyển sinh sử dụng kết quả kì thi THPT Quốc gia, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ quy định rõ, nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn thi để xét tuyển là duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 và các năm trước (khối thi truyền thống) để xét tuyển. Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GDĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Việc thêm tổ hợp môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển. Các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Nhằm giảm hiện tượng thí sinh ảo, mỗi thí sinh sẽ được cấp bốn giấy báo kết quả thi có mã vạch nhận dạng và mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được sử dụng một giấy báo kết quả thi. Thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký xét tuyển vào tối đa bốn ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh có quyền dùng ba giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng ký xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả thi này có thể đăng ký xét tuyển vào tối đa bốn ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường.
Nguồn tin: Lao động