Công ty TNHH Ðại Việt vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường

Thứ tư - 19/06/2013 03:46 1.223 0
Qua đợt tiếp tục khảo sát mới đây của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, mặc dù đã có quyết định của UBND tỉnh về việc tạm đình chỉ để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng Công ty TNHH Đại Việt (Khu công nghiệp Tâm Thắng, Chư Jút) vẫn “phớt lờ”, tự ý tổ chức sản xuất, tiếp tục xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường và có những biểu hiện thiếu tính hợp tác.





Hệ thống xử lý nước thải của Công ty Đại Việt đã 3 năm, nhưng vẫn trong giai đoạn chạy thử, chưa được cấp phép chính thức
 




Khắc phục kiểu nửa vời
 
Theo Quyết định 502, ngày 11/4/2013 của UBND tỉnh thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực, Công ty TNHH Đại Việt phải tạm định chỉ hoạt động để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường đối với Nhà máy sản xuất cồn công nghiệp như: ngừng xả nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn, tiêu chẩn ra môi trường tự nhiên; khắc phục triệt để mùi hôi do nước thải gây ra; không được tổ chức sản xuất khi chưa có quyết định đồng ý của UBND tỉnh.
 
Hơn 2 tháng từ ngày tạm đình chỉ, công ty cũng đã có những động thái khắc phục như: tạm ngưng hoạt động và tiến hành san lấp 2 hồ chứa tạm nước thải lỏng và thải rắn tại lô đất CN15; xây tường bao quanh bể chứa; xây dựng một số đoạn mương thoát nước mưa. Tuy nhiên, tình hình khắc phục trên vẫn đang theo kiểu nửa vời, bởi một mặt, công ty này tỏ ra chấp hành quy định nhưng mặt khác lại đang tiếp tục có những hành vi vi phạm.
 
Cụ thể như đến thời điểm hiện nay, công ty vẫn chưa tách riêng hai loại nước thải qua sản xuất là nước giải nhiệt và nước thải sản xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng nên hiện tượng hai loại nước thải này lẫn lộn và chảy vào hệ thống thu gom nước mưa để thoát ra môi trường vẫn diễn ra thường xuyên.
 
Bên cạnh đó, theo Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng thì ngày 12/5/2013, qua kiểm tra đột xuất đã phát hiện Công ty Đại Việt đang xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống nước mưa của khu công nghiệp thoát ra môi trường. Kết quả kiểm tra mẫu nước cho thấy chất COD lên đến 51600/162 đơn vị, vượt khoảng 318 lần và chất TSS là 4900/108 đơn vị, vượt 45,3 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
 
Tiếp đó, ngày 27/5, qua phản ánh của các hộ dân trên địa bàn, cơ quan chức năng cũng đã tổ chức kiểm tra đột xuất và phát hiện nhà máy đi vào hoạt động sản xuất khi chưa có quyết định cho phép của UBND tỉnh. Công suất hoạt động của nhà máy được vận hành tối đa với 1500 tấn nguyên liệu/ngày.
 
Trước thực tế đó, ngày 29/5, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý hành vi vi phạm của công ty này về việc tự ý đưa nhà máy hoạt động trở lại và xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý vào hồ chứa không được lót đáy theo đúng quy định…Ngoài ra, vào thời điểm khảo sát, công ty mới cho máy ủi san lấp hồ chứa nước thải, nhưng quá trình san lấp lại không hề bóc tách, thu gom chất thải độc hại, cứ để vậy lấp đất. Chất thải từ hồ chứa này cùng hệ thống thoát nước mưa bị chất thải tràn ra, lắng đọng đặc quánh đã bốc lên mùi hôi nồng nặc, không kém gì trước đây.
 
Như vậy, sau gần 2 tháng kể từ ngày có quyết định tạm đình chỉ hoạt động, không những chưa thực sự quyết liệt trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường mà hành vi vi phạm về xả thải trực tiếp ra môi trường của Công ty Đại Việt vẫn liên tục tiếp diễn. Nghiêm trọng hơn, hành động tự ý cho nhà máy hoạt động lại khi chưa được sự cho phép của UBND tỉnh đã cho thấy thái độ thiếu tôn trọng, ý thức chấp hành pháp luật của lãnh đạo công ty.
 
Chưa thực sự quyết liệt trong xử lý
 
Để xảy ra tình trạng trên, ngoài việc chưa nghiêm túc chấp hành quy định của Công ty Đại Việt, một trong những nguyên nhân sâu xa là do cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự quyết liệt trong công tác giám sát, kiểm tra, xử lý. Trong quyết định tạm đình chỉ của UBND tỉnh nêu rõ: “giao cho Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện Chư Jút, Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tâm Thắng và các đơn vị có liên quan tổ chức niêm phong xưởng, máy móc, trang thiết bị của Công ty TNHH Đại Việt…”.
 
Thế nhưng, từ khi tạm đình chỉ đến nay, công ty này chưa hề bị niêm phong nhà xưởng, máy móc. Đây cùng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc để công ty có điều kiện tự ý hoạt động trở lại và xả thải trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát còn cho thấy, mặc dù báo cáo tác động môi trường của công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng trong quá trình xây dựng, xử lý hệ thống nước thải, công ty đã thay đổi từ hệ thống xử lý hồ sinh học và thu hồi khí biogas như hồ sơ được duyệt ban đầu sang hệ thống xử lý kỵ khí, yếm khí, tái sử dụng 100% nước thải.
 
Theo ông Trần Văn Đức, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND tỉnh thì phải chăng do thay đổi về hệ thống xử lý chất thải nên phát sinh tình trạng quá tải trong xử lý dẫn đến ô nhiễm môi trường?. Ngoài ra, quá trình Công ty Đại Việt khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng chưa tham mưu cho tỉnh thực hiện đầy đủ các quy trình theo Luật Bảo vệ môi trường.
 
Đơn cử như cơ quan chức năng chưa có điều tra, xác định khu vực ô nhiễm, phạm vi, mức độ, trách nhiệm của các bên liên quan và cơ sở thiệt hại. Mặt khác, quy trình xử lý của công ty cũng chưa theo một quy chuẩn nào mà mới chỉ thực hiện theo kiểu thủ công, đối phó, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm từ những chất thải bị vùi lấp chưa được bóc tách, thu gom.
 
Còn theo Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng thì mặc dù đơn vị đã nhiều lần đề nghị Công ty Đại Việt xử lý một số quy trình như lắp đặt hệ thống quan trắc tại các điểm xả nước mưa, nước thải; xử lý đạt chuẩn nước thải loại B để đủ điều kiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung của khu công nghiệp, nhưng lãnh đạo công ty không hợp tác.
 
Trong khi đó, quá trình kiểm tra, bắt quả tang là rất khó, bởi hành vi xả thải của công ty rất tinh vi. Vả lại, nếu bị bắt quả tang và lập biên bản, số tiền xử phạt hành chính cũng thấp hơn nhiều lần so với số tiền tiết kiệm được từ hoạt động xả thải trộm.
 
Đừng để trở thành “Vê đan”
 
Trong đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Chư Jút mới đây, nhiều ý kiến của cử tri trên địa bàn đã kiến nghị cơ quan chức năng cần có phương án rõ ràng, quyết liệt hơn đối với Công ty Đại Việt.
 
Cử tri cho rằng, tỉnh cũng nên đưa ra phương án đình chỉ vĩnh viễn hoặc di dời nhà máy sản xuất cồn công nghiệp chứ không thể cứ để kéo dài như vậy được. Bởi vì, thái độ thiếu tôn trọng nhân dân, thiếu ý thức bảo vệ môi trường và xem thường pháp luật của công ty thời gian qua đã quá rõ ràng.
 
Nếu không quyết liệt thì biết đâu Đại Việt lại trở thành một “Vê đan”, làm ảnh hưởng không chỉ môi trường sống của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, sức khỏe của công nhân đang lao động sản xuất trong khu công nghiệp.
 
Ngoài việc trực tiếp xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, các đơn vị hoạt động tại khu công nghiệp còn phản ánh việc đốt chất thải rắn bằng củi, vỏ hạt điều của Công ty Đại Việt thời gian qua đã làm tro bụi theo nước mưa ra môi trường, chảy xuống sông Sêrêpốk, ảnh hưởng nguồn nước sản xuất của khu công nghiệp.
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Duy Chuyển, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Việc Công ty TNHH Đại Việt đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, việc đình chỉ vĩnh viễn hay di dời nhà máy lại là vấn đề liên quan đến hệ thống các quy định cũng như an sinh xã hội trong lĩnh vực lao động, việc làm và nguồn nguyên liệu…”.
 
Rõ ràng, vấn đề an sinh xã hội là điều rất đáng quan tâm. Nhưng nếu cần thiết, chúng ta cũng có thể sẵn sàng chấp nhận bỏ đi một số lợi ích nhỏ để có được lợi ích lâu dài, to lớn hơn, đó là môi trường trong lành, sức khỏe, tính mạng của chính các công nhân. Đừng để Đại Việt trở thành một tiền lệ xấu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường.
 
Bài, ảnh: Hà An

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập131
  • Hôm nay7,123
  • Tháng hiện tại59,866
  • Tổng lượt truy cập41,127,669
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây