Đưa lãng phí vào luật Hình sự

Thứ tư - 19/06/2013 03:44 1.043 0
Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 18.6, nhiều ĐBQH lo ngại tình trạng lãng phí diễn ra tràn lan khắp nơi. Các ý kiến đề xuất phải bổ sung hành vi lãng phí vào bộ luật Hình sự để có thể xử lý nghiêm khắc cá nhân, tổ chức vi phạm.

 

 Nhà đất công bỏ hoang và bị lấn chiếm lãng phí nhưng không ai chịu trách nhiệm
Nhà đất công bỏ hoang và bị lấn chiếm lãng phí nhưng không ai chịu trách nhiệm - Ảnh: Đình Sơn

ĐB Huỳnh Thế Kỷ, Giám đốc Công an Ninh Thuận, thậm chí còn đánh giá lãng phí nguy hại, ghê gớm hơn tham nhũng khi không thể định lượng và khó điều tra, truy tố xét xử. “Để chống lãng phí thì phải xác định trách nhiệm người đứng đầu để xử lý, những người lẽ ra phải làm gương, từ sử dụng xăng xe, kinh phí để người khác noi theo”, ông đề nghị.

Lãng phí “núp bóng chủ trương chung”

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, lãng phí tiền bạc, tài nguyên, của cải có thể đong đếm nhưng lãng phí thời gian đôi khi còn gây thiệt hại lớn hơn rất nhiều. Đơn cử, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhiều công trình nếu rút ngắn được thời gian thì mang lại hiệu quả lớn, nhưng điều đáng tiếc, khi lập hồ sơ đấu thầu các chủ đầu tư chỉ nhìn vào giá, thầu nào bỏ giá rẻ thì cho trúng. Sau đó lại điều chỉnh dự án, lại xin thêm kinh phí... gây tốn kém, lãng phí. Đồng quan điểm với ĐB Kỷ về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, ĐB Nam đề nghị phải bổ sung hành vi cụ thể vào luật để xác định được rõ mức độ, trách nhiệm đến mức nào.

 

 
 

Chống lãng phí phải được coi như quốc sách hàng đầu, kiên quyết ngăn chặn thất thoát đầu tư công, chi tiêu công. Phải quy định nó giống như hành vi đội mũ bảo hiểm, cấm đốt pháo và như một lối sống thường nhật

 

ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang)

 

Theo ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), hiện lãng phí do ý chí, quyết định của một cá nhân gây ra hậu quả lớn, nhưng lại núp bóng chủ trương chung của tập thể. Vì vậy phải bổ sung vào luật quy định người đứng đầu gây lãng phí trong đầu tư, chi tiêu ngân sách nhà nước tùy mức độ chịu trách nhiệm dân sự hay hình sự.

ĐB Xuân đưa ra nhiều đề xuất để ngăn chặn lãng phí, phải căn bản thay đổi yêu cầu công khai, minh bạch, tự chủ trong quản lý chi tiêu ngân sách. Đơn cử, việc sử dụng ô tô công vừa qua không hiệu quả do mua xe theo định mức, nay có thể khoán bằng tiền cho từng đơn vị. Cán bộ, công chức không thể bị bỏ ngoài cuộc, nên được bàn bạc các khoản chi tiêu trong cơ quan, chứ không để cuối năm thủ trưởng mới báo cáo. Tại các khu dân cư, việc tổ chức đám ma, đám cưới thời gian qua được chấn chỉnh bởi một số quy định như đám ma bảy vòng hoa, đám cưới mấy chục mâm, theo ĐB Xuân thì trước hết cán bộ, công chức phải làm gương - điều này cũng nên đưa vào trong luật.

ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cũng đồng tình cần hạn chế việc tổ chức đám cưới, đám ma khoa trương. “Chống lãng phí phải được coi như quốc sách hàng đầu, kiên quyết ngăn chặn thất thoát đầu tư công, chi tiêu công. Phải quy định nó giống như hành vi đội mũ bảo hiểm, cấm đốt pháo và như một lối sống thường nhật”, ĐB Hiền nói. Nhận định lãng phí là quốc nạn, “song đôi” với tham nhũng, ĐB Hiền cũng đề xuất phải bổ sung các hành vi vi phạm pháp luật lãng phí vào bộ luật Hình sự.

Ra quyết định gây lãng phí phải bồi thường

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tiếp tục chỉ ra lỗ hổng của luật khi không có nội dung quy định xử lý trách nhiệm lãnh đạo các cơ quan đơn vị khi chi sai định mức, tiêu chuẩn. ĐB cũng đề nghị, không chỉ bổ sung nội dung này vào dự luật sửa đổi mà kể cả việc phải bồi thường khi ra quyết định gây lãng phí.

ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) nêu việc xây dựng đô thị, chung cư không có kiểm soát gây thất thoát, lãng phí lớn cho đất nước. Quy hoạch cảng biển, sân bay cũng lãng phí, hai sân bay quốc tế cách nhau 100 km, trong khi nếu đi đường bộ mất 1 giờ, hay việc bố trí kế hoạch đầu tư dàn trải... ĐB Tân đề nghị, dự thảo luật nên quy định việc lập, quy hoạch, kế hoạch đầu tư các ngành, lĩnh vực. Ngoài ra phải quy định chặt chẽ việc công khai, minh bạch thông qua hình thức phát hành ấn phẩm, thông báo trên báo chí... bởi trên thực tế, khi lãng phí người đứng đầu chọn hình thức ít công khai nhất, không cung cấp thông tin.

Cũng theo ĐB Tân, vừa qua khi báo chí đăng ảnh bài viết xe công đi lễ hội, ngay sau đó tình trạng này được chấn chỉnh, báo chí phản ánh mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tình hình giảm đáng kể. Đặc biệt, nhiều trường hợp cơ quan quản lý không phát hiện được, nhưng báo chí phát hiện vụ gian dối khi nạo vét sông ở TP.HCM. “Khi không có đủ thông tin thì không giám sát được, vì vậy cần bổ sung, người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm công khai các lĩnh vực hoạt động, tài liệu không phải là mật, đây là hình thức bắt buộc và phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng”, ĐB Tân đề nghị.

 

Sẽ có luật Căn cước công dân

Sáng qua QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2013. Theo đó, QH đồng ý bổ sung 7 dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó có luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan quân đội nhân dân VN; luật Về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; bổ sung 2 pháp lệnh và một nghị quyết, gồm pháp lệnh Cảnh sát môi trường; pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị quyết của Ủy ban TVQH sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. QH cũng quyết nghị bổ sung 5 dự luật vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, trong đó có luật Đầu tư công; luật Hộ tịch. Thống nhất đưa vào chương trình năm 2014 dự án luật Căn cước công dân, luật Nhà ở (sửa đổi), luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Trước đề xuất của một số ĐB bổ sung vào chương trình năm 2014 dự án luật Về hội, luật Biểu tình, luật Trưng cầu dân ý..., Ủy ban TVQH cho rằng, đây đều là các dự án đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa 13. Do đó, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục soạn thảo để đưa vào chương trình các năm tiếp theo.

Bảo Cầm

Anh Vũ
 

BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (2)
MINH TRÍ
CẦN CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XDCB
Trong những năm qua, ở nước ta việc đầu tư công các công trình không dứt điểm, kéo dài , chất lượng quá kém như tuyến đường quốc lộ 1a, một số đoạn đường, cầu mới hoàn thành đưa vào sử dụng năm trước thì năm sau đã bị hư hỏng xuống cấp và không ai chịu trách nhiệm. Đồng thời việc đầu tư không tập trung dứt điểm quá kéo dài thời gian, nên không phát huy được hiệu quả, đây chính là sự lãng phí rất lớn trong xã hội.
Để có thể khắc phục tình trạng thi công các công trình xây dựng, giao thông kém chất lượng trong thời gian vừa qua, xin nêu một số giải pháp như sau:
1. Trước tiên trong Luật đấu thầu được sửa đổi cần phải xác định rõ trách nhiệm của Ban quản lý dự án , đơn vị tư vấn thiết kế , đơn vị thi công , đơn vị tư vấn giám sát công trình , đây là những đơn vị chủ công trong việc quyết định đến chất lượng công trình, tiến độ thi công .
Đối với các Chủ đầu tư kiên quyết không để các đơn vị thi công đã từng thi công công trình chất lượng kém tham gia đấu thầu , cần ưu tiên cho các đơn vị nhà thầu nào có nhiều công trình đạt chất lượng được dư luận xã hội và các bộ ngành chức năng công nhận .
Không phải đơn vị nào tham gia đấu thầu bỏ giá thấp là được trúng thầu, cấm tuyệt đối các đơn vị trúng thầu lại không thi công mà bán, chuyển nhượng lại gói thầu cho đơn vị khác thi công lấy hoa hồng .Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình kém chất lượng.
Do vậy cần sớm sửa đổi luật đấu thầu để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay.
2. Để đảm bảo chất lượng công trình bền vững, Đơn vị thiết kế cần phải chú ý đến kết cấu công trình chịu đựng được vận chuyển tải trọng nặng, tùy theo địa hình thổ nhưỡng đất đai mà thiết kế loại vật liệu gì cho phù hợp.
Đối với các Đơn vị tư vấn giám sát phải giám sát phải hết sức khách quan trung thực, thường xuyên có mặt tại hiện trường . Có như vậy mới có chuyển biến đối với chất lượng các công trình giao thông.
Đối với Đơn vị thi công đây là đơn vị có tính quyết định đến chất lượng công trình , đòi hỏi đơn vị thi công phải có lương tâm và trách nhiệm của mình.
3. Trong Luật đấu thầu sửa đổi cần quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị chuyên ngành quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra chất lượng công trình, phải xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị thi công thiếu trách nhiệm để công trình kém chất lượng, thu hồi giấy phép vĩnh viễn đối các nhà thầu thiếu trách nhiệm, cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó cần tăng cường vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cũng như cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với các công trình đang thi công, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng công trình thi công kém chất lượng , chống thất thoát, lãng phí xây dựng đường giao thông như hiện nay.
Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên hy vọng trong thời gian đến chất lượng công trình giao thông xây dựng sẽ được tốt hơn.

 

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: lãng phí
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay5,292
  • Tháng hiện tại58,623
  • Tổng lượt truy cập41,239,224
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây