Cuộc chiến bảo vệ rừng ngày càng khốc liệt

Thứ sáu - 24/10/2014 02:34 1.196 0
Chiều 22.10, Phó cục trưởng phụ trách Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) Đỗ Trọng Kim đã trả lời Báo Thanh Niênxung quanh công tác bảo vệ rừng.

 

Cuộc chiến bảo vệ rừng ngày càng khốc liệt
Hàng trăm phách gỗ kiền kiền được phát hiện trong rừng giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng vào ngày 11.10 - Ảnh: C.T.V

 

Ông Kim cho biết từ năm 2009 đến nay, trên cả nước, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 33.938 vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, gây thiệt hại trên 8.000 ha rừng. Bình quân mỗi năm mất 1.575 ha rừng. Số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá đều giảm qua từng năm nhưng ở một số nơi vẫn diễn ra khá nghiêm trọng. 

Thưa ông, rừng bị tàn phá có phải là do lực lượng kiểm lâm còn mỏng lại chưa được trang bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ trong khi thực thi công vụ? Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ chặt phá rừng trên địa bàn như thế nào?

Hiện nay, biên chế lực lượng kiểm lâm còn thiếu so với quy định, nhất là đội ngũ kiểm lâm phụ trách địa bàn và đội ngũ kiểm lâm làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Cả nước vẫn còn 562 xã có rừng chưa có kiểm lâm phụ trách địa bàn nên nhiều khi không thể kiểm soát hết tình hình. Lực lượng kiểm lâm được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thi hành công vụ nhưng thiếu hướng dẫn các trường hợp được sử dụng, nhất là trong các trường hợp nổ súng, dẫn đến đối tượng vi phạm coi thường và manh động chống người thi hành công vụ. Nhiều trường hợp công chức kiểm lâm sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để đấu tranh bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản nhà nước và sự an toàn tính mạng bản thân nhưng chưa có cơ chế đảm bảo quyền hợp pháp. Trong khi đó, lâm tặc rất manh động chống đối, lăng mạ, tập trung đông người hành hung lực lượng thực thi công vụ, cướp lại tài sản, đốt phá tài sản nhà nước, tang vật vi phạm, khống chế lực lượng kiểm lâm. Chỉ tính từ đầu năm 2014 tới nay, trên cả nước xảy ra 38 vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm, làm 1 người chết và 34 người khác bị thương.

Thực tế, nhiều chủ rừng (chủ yếu là các công ty lâm nghiệp) thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí làm ngơ khi để xảy ra tình trạng rừng bị phá trong khi vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là cấp cơ sở, chưa thể hiện được vai trò quản lý nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương.

 

 
 

Từ đầu năm 2014 tới nay, trên cả nước xảy ra 38 vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm, làm 1 người chết và 34 người khác bị thương

 
 
 

 

Nhưng thưa ông, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng một số kiểm lâm biến chất, câu kết với lâm tặc phá rừng đang khiến dư luận đặc biệt quan ngại?

Đúng là một bộ phận công chức kiểm lâm thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức phấn đấu kém, ngại khó, ngại khổ không nhiệt tình với công việc, không kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, đã bị lôi kéo, mua chuộc. Chúng tôi rất đau lòng về những vụ việc như thế này.

Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng phổ biến. Để bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm phải đánh đổi không chỉ công sức, trí tuệ, mồ hôi mà phải trả giá cả bằng xương máu. Nhiều năm qua đã có biết bao tấm gương hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm để bảo vệ rừng.

Chúng ta cần làm gì để tăng cường sức mạnh của lực lượng kiểm lâm, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ rừng?

Cuộc chiến bảo vệ rừng ngày càng khốc liệt, đòi hỏi chúng tôi luôn phải nỗ lực làm tròn trọng trách được giao. Chúng tôi đang rất quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, xử lý nghiêm minh đối với những kiểm lâm vi phạm, kiên quyết loại bỏ những kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc hoặc trực tiếp tham gia phá rừng.

Chúng tôi đã tham mưu với Bộ NN-PTNT đề nghị tăng cường thêm 3.000 kiểm lâm, phấn đấu tiến tới 1 kiểm lâm chỉ phải quản lý 1.000 ha rừng và 100% các xã có rừng đều có kiểm lâm địa bàn; có những chính sách cho lực lượng kiểm lâm ở vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho anh em có cuộc sống ổn định, yên tâm công tác; tăng cường đầu tư trang thiết bị, đặc biệt là các công cụ hỗ trợ để kiểm lâm có đủ sức mạnh khi thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang khuyến khích, động viên người dân địa phương tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng bằng việc ký cam kết, xây dựng hương ước về bảo vệ rừng; có cơ chế chính sách về chia sẻ lợi ích trong công tác quản lý bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân và cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng như việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Xin cảm ơn ông!

Quang Duẩn 
(thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc
 

MINH TRÍ (bmt) - 23 giờ trước
Hiện nay luật quản lý bảo vệ rừng đang thực hiện và các nghị định xử phạt hành chính đối với lãnh vực này chưa mang tính răn đe, chủ rừng cũng như lực lượng kiểm lâm chức năng xử lý còn hạn chế, chưa đủ chế tài để xử lý các vụ vi phạm lâm luật. Để có thể quản lý và bảo vệ rừng có hiệu quả, trước tiên đối với chủ rừng là đơn vị được nhà nước giao trách nhiệm quản lý phát triển rừng hiện có là một tài sản tự nhiên rất lớn, để ràng buộc trách nhiệm, đề nghị trước khi bổ nhiệm giám đốc các lâm trường, các cơ quan chức năng cần đánh giá hiện trạng rừng xác định cụ thể giá trị tài sản tại thời điểm nhận nhiệm vụ, trong quá trình công tác hoặc nếu sau này chuyển vị trí công tác khác, nếu thiếu tinh thần trách nhiệm để thất thoát tài sản rừng so với lúc ban đầu đã bàn giao, phải chịu trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật. Thứ hai Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội sửa đổi Luật quản lý và bảo vệ rừng phải mang tính răn đe xử lý về hình sự đối với các đối tượng (gọi lâm tặc) cố ý khai thác vận chuyển gỗ trái phép, hạn chế dân di cư tự do không theo quy hoạch vào rừng tự nhiên, vườn quốc gia do các lâm trường quản lý tự ý chặt phá, khai hoang rừng để sản xuất không đúng theo quy hoạch của nhà nước, hiện tượng này đã xảy ra rất lâu ở các tỉnh Tây nguyên, nhưng đến nay các địa phương cũng chưa có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả. Các vụ việc nêu trên chủ yếu xử lý về mặt hành chính nên công tác quản lý bảo vệ rừng chưa được hiệu quả, các vụ vi phạm bị khởi tố xử lý về mặt hình sự đưa ra xét xử không được bao nhiêu, vì những hành vi vi phạm lâm luật chưa vượt khung xử phạt về hành chính. Thứ ba Nhà nước nên thành lập Lực lượng liên ngành trong công tác quản lý bảo vệ rừng bao gồm Kiểm lâm, Cảnh sát môi trường, Biên phòng... mà Kiểm lâm làm nòng cốt và trang bị công cụ hỗ trợ và những phương tiện cần thiết cho lực lượng kiểm lâm ở các tỉnh Tây nguyên, Tây bắc có rừng chiếm diện tích lớn, như máy bay trực thăng để thường xuyên tuần tra vừa phục vụ cho công tác quốc phòng, biên giới, phòng chống cháy rừng, đồng thời có thể phát hiện kịp thời ở các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, mà bọn lâm tặc lợi dụng đường đi lại khó khăn hiểm trở trong rừng, nên bọn chúng đã vào các khu vực này khai thác, đến khi lực lượng kiểm lâm biết được khi đến nơi thì đã quá trễ. Nếu có phương tiện máy bay trực thăng chắc chắn lực lượng liên ngành sẽ phát hiện bọn lâm tặc đang khai thác vận chuyển gỗ trái phép và kịp thời xử lý theo quy định pháp luật.

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập131
  • Hôm nay6,189
  • Tháng hiện tại57,559
  • Tổng lượt truy cập41,125,362
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây