Bà H.Clinton trong buổi ký sách ở New York. Theo BBC, hồi ký của bà H.Clinton nói các vụ chạm trán giữa tàu Trung Quốc (TQ) và tàu của Philippines, Việt Nam và Nhật Bản thực tế đã diễn ra từ tháng 3.2009, sau vụ đối đầu giữa tàu hải quân Mỹ Impeccable khảo sát ở biển Đông với 5 tàu của TQ, ở vị trí cách đảo Hải Nam chừng 120km.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói, TQ ngày càng hung hăng (aggressive) với các nước láng giềng, thay vì cải thiện quan hệ với họ. Sự hung hăng của TQ sẽ có thể đẩy các nước - nhất là các nước Đông Á nhỏ - vào những liên minh quân sự đắt đỏ trong khu vực, mà tới nay Mỹ chỉ có hiệp ước bảo vệ Nhật Bản và Philippines khi hai nước này bị tấn công. Trong sách, bà H.Clinton nói nhiều tới TQ, từ được nhắc tới hơn 300 lần trong hồi ký so với khoảng 10 lần đối với từ Việt Nam.
Nhưng Việt Nam chính là nơi hồi năm 2010 bà đã có phát biểu mạnh mẽ nhấn mạnh chuyện tự do hàng hải là "lợi ích quốc gia" của Mỹ để đối trọng với "lợi ích cốt lõi" mà TQ gắn cho biển Đông - bà H.Clinton viết trong sách. Bà nói thêm, phát biểu của bà tại cuộc họp của khối ASEAN ở Hà Nội đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao TQ khi đó là ông Dương Khiết Trì "giận tái người" và đề nghị giải lao một giờ trước khi trở lại với bài phát biểu hùng hồn của ông.
Bà kể về phản ứng của Ngoại trưởng TQ: "Nhìn chằm chằm vào tôi, ông ấy gạt đi những xung đột ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) và cảnh cáo sự can thiệp của bên ngoài" - bà viết. Bà H.Clinton cũng nói, ông Dương nhắc cử tọa rằng "TQ là nước lớn. Lớn hơn bất cứ nước nào ở đây".
Liên quan tới Việt Nam, vị cựu ngoại trưởng viết: "Việt Nam là cơ hội độc đáo chiến lược cho dù đầy thách thức”. Theo BBC, những khác biệt giữa hai nước về nhân quyền đã được bà trao đổi thẳng thắn khi gặp gỡ với các quan chức Việt Nam. Song bà khẳng định, Việt Nam “đang dần dần mở cửa kinh tế và cố gắng có vai trò lớn hơn trong khu vực". Bà H.Clinton nói, Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương đang đàm phán là một trong những công cụ quan trọng để kết nối với Việt Nam.