Cựu Ngoại trưởng Úc, ông Gareth Evans - Ảnh: AFP |
Trong
cuộc hội đàm cấp cao với Mỹ hồi tuần trước, các quan chức quốc phòng và ngoại giao Úc đã nhất trí tăng cường hợp tác hải quân trên Biển Đông; nhưng đến nay Úc vẫn chưa xác nhận thông tin nước này có thể cùng Mỹ điều tàu tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Trường Sa, theo đài ABC (Úc) ngày 20.10.
Cựu ngoại trưởng Úc Gareth Evans cho biết Canberra nên có hành động riêng của mình. “Mỹ đã tuyên bố rõ muốn duy trì tự do hàng hải bằng cách điều tàu tuần tra sâu trong vùng 12 hải lý để chứng tỏ họ không chấp nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Trường Sa. Và tôi nghĩ rằng Úc cũng lên làm điều tương tự, nhưng không nhất thiết là phải phối hợp với Mỹ”, ông Evans trả lời phỏng vấn ABC.
Đến nay, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop vẫn chưa bình luận về khả năng Úc phối hợp Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. “Mỹ tuyên bố sẽ hành động theo luật quốc tế và tất nhiên chúng tôi ủng hộ điều đó”, bà Bishop nói trong buổi họp báo ngày 19.10.
Ông Evans cho rằng ngoài tàu hải quân, tàu thương mại cũng có thể tham gia thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Tàu quân sự và cả tàu thương mại đều có thể thực thi quyền tự do hàng hải bằng cách không cần phải xin phép khi đi sâu vào trong khu vực 12 hải lý”, ông Evans nói.
Đài ABC xác nhận thông tin có hai tàu của Hải quân Úc hoạt động trên Biển Đông là tàu hộ tống HMAS Arunta và tàu chở dầu HMAS Sirius vừa kết thúc tập trận với Hải quân Singapore ở Biển Đông; cùng tàu hộ tống HMAS Stuart vừa ghé thăm Nhật Bản.
Phúc Duy