Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông C-harles Jose - Ảnh: AFP |
“Chúng tôi kịch liệt phản đối việc Trung Quốc xây dựng và đưa vào hoạt động hai hải đăng ở Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma”, ông C-harles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết vào ngày 19.10, theo AFP.
“Những hành động này của Trung Quốc rõ ràng là nhằm thay đổi nguyên trạng và củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ không chấp nhận những hành động đơn phương này”, ông Jose nói thêm.
Philippines lâu nay là quốc gia phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo AFP. Manila cũng đã nộp đơn kiện lên tòa án quốc tế, phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọng gần cả Biển Đông, nhưng Bắc Kinh phớt lờ không tham gia các phiên phân xử.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình hôm 13.10 đã khẳng định việc Trung Quốc xây dựng hai ngọn hải đăng phi pháp tại Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, theo TTXVN.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Chấn Dân, tại diễn đàn an ninh Hương Sơn (Bắc Kinh, Trung Quốc) ngang ngược nói Trung Quốc sẽ tiếp tục xây những công trình xây dựng như thế này.
Cũng tại diễn đàn an ninh Hương Sơn, Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, ông Phạm Trường Long ngang ngược cho rằng việc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa chỉ vì mục đích dân sự và “sẽ không ảnh hưởng tự do hàng hải ở Biển Đông” và hai hải đăng “đã bắt đầu cung cấp dịch vụ định vị hàng hải cho tất cả các quốc gia”.
Phản ứng trước những tuyên bố của Trung Quốc, Tư lệnh lực lượng vũ trang Malaysia, tướng Zulkefli Mohd Zin ngày 18.10 cho biết Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông là “hành động gây hấn không thể chấp nhận được”.
Mỹ cũng đã cáo buộc Trung Quốc tăng cường hoạt động bồi đắp, xây dựng nhằm biến những bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành những đảo nhân tạo phi pháp để đặt các căn cứ quân sự, đe dọa tự do hàng hải trên Biển Đông.
Washington đã quyết định sẽ điều tàu chiến và máy bay tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa, để thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.