Theo Quartz, Indonesia tuần trước cho hay sẽ đệ trình kiến nghị lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) để đổi tên vùng đặc quyền kinh tế EEZ của họ trên biển Đông thành biển Natuna.
Ahmad Santosa, người đứng đầu cơ quan chống đánh bắt cá bất hợp pháp của Indonesia, nói: “Nếu không ai phản đối... thì khu vực đó sẽ chính thức trở thành biển Natuna”.
Năm 2012, Philippines đổi tên một phần biển Đông trên bản đồ, đồng thời sử dụng tên đó trong các công văn của chính phủ. Manila tuyên bố vùng biển thuộc EEZ của họ trên biển Đông sẽ gọi là biển Tây Philippines, sau đó gửi kiến nghị và bản đồ cho Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Tuy nhiên, tên gọi “South China Sea” vẫn được sử dụng phổ biến trên thế giới.
Một chiến dịch trên trang web Change.org cách đây khoảng 5 năm đề xuất đổi tên biển Đông thành “biển Đông Nam Á” (Southeast Asia Sea), bao gồm một số lập luận thú vị. Trong đó, đề xuất nêu rõ các quốc gia Đông Nam Á bao quanh biển Đông có tổng chiều dài bờ biển là 130.000 km, trong khi bờ biển phía Nam Trung Quốc chỉ dài khoảng 2.800 km.
Cũng có vài đề xuất đổi tên biển Đông thành “biển Đông Dương” (Indochina Sea) hay “biển ASEAN” song đề xuất sau bị Campuchia phản đối.
South China Sea là tên gọi tương đối mới, được đặt vào những năm 1930 để phân biệt với biển Hoa Đông (East China Sea). Tại Trung Quốc, biển Đông gọi đơn giản là Nam Hải (South Sea).
Philippines muốn đàm phán song phương với Trung Quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 23-8 hy vọng mở các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp ở biển Đông "trong vòng 1 năm".
Ông cũng tái khẳng định sẽ không đưa tranh chấp ra thảo luận ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra từ ngày 6 đến 8-9 tại Lào vì "nên tiếp tục đàm phán với Trung Quốc hơn là chọc giận các quan chức (của họ) ở đó”.
Mỹ trước đó hoan nghênh các bên tranh chấp giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen nói thêm Washington thôi thúc các bên đàm phán mà không ép buộc, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Nguồn tin: NLĐ Online