Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải rất nhiều. Qua đó, cho thấy, quyết tâm về việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, phục vụ dân và rộng ra là Nhà nước của dân, do dân và vì dân của người đứng đầu Chính phủ đang được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Thực tế, thông điệp, tinh thần đó cũng bắt nguồn từ tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước do nhân dân lao động làm chủ và bộ máy nhà nước phải phục vụ dân.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu bật sự khác nhau căn bản về tính chất giữa Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với các loại hình nhà nước trước đó: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Theo Người, muốn đạt được mục đích đó, vấn đề đặt ra là phải bằng mọi cách giữ cho được định hướng hoạt động của nhà nước, bảo đảm cho bộ máy thật sự trong sạch. Nguy hại nhất là khi được nhân dân ủy quyền, một số cán bộ, công chức “đã vác mặt làm quan cách mạng”, kéo bè, kéo cánh để thu vén lợi ích cá nhân. Vì vậy, chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục những tiêu cực trong bộ máy nhà nước là nhu cầu và việc làm thường xuyên, bảo đảm cho nhà nước thật sự là công bộc của dân.
Ngày nay, tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục soi sáng con đường xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau nhiều năm đổi mới, cùng với sự đổi mới hệ thống chính trị, Nhà nước ta tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, nền hành chính được cải cách một bước. Quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực ngày càng được phát huy, các chính sách và quy chế bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, nhất là ở cơ sở bước đầu được mở rộng, thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, Đảng, Nhà nước cũng đã khẳng định, bộ máy nhà nước vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, thể hiện trên nhiều mặt. Rõ nét nhất là tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian và những thủ tục hành chính phiền hà. Không ít cán bộ, công chức vừa kém về đạo đức, phẩm chất, vừa yếu về năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ thuật nghiệp vụ. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi...
Tất cả những điều đó đã và đang đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp cần phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy hơn nữa vai trò, năng lực điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, xã hội. Cụ thể, một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ đó là: Xây dựng, tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Tường Mạnh
Nguồn tin: NLĐ Online