Theo Msn, thông thường một số sản phẩm hoặc các yếu tố môi trường là tác nhân khiến da mẩn đỏ, ngứa, thậm chí bị bong tróc. Tuy nhiên, có một vài căn bệnh có thể gây ra các triệu chứng tương tự, như: rosacea, eczema, viêm da tiếp xúc dị ứng và thường bị nhầm lẫn là da nhạy cảm.
Bác sĩ da liễu chính là người giúp bạn xác định nguyên nhân của vấn đề và đưa ra hướng giải quyết cụ thể. Để xác định xem làn da nhạy cảm hay không, bạn cần phải biết một số triệu chứng phổ biến.
Kích ứng với các dị nguyên
Nếu da bạn nhạy cảm, bạn có thể nhận thấy mình có những triệu chứng phản ứng với các chất nhất định, như: xà phòng, chất tẩy rửa, nước hoa, sản phẩm chăm sóc da và các sản phẩm gia dụng. Ngoài ra, tiếp xúc với không khí lạnh, nắng và gió cũng có thể kích hoạt da trở nên nhạy cảm hơn.
Da nhạy cảm thường dễ bị phát ban đỏ - Ảnh: Shutterstock |
Da nổi mẩn đỏ
Hầu hết những người có da nhạy cảm thường dễ bị phát ban đỏ, nổi mụn, đỏ mặt hoặc các mạch máu có xu hướng giãn ra, gọi là giãn mao mạch. Thông thường, các vết đỏ sẽ biến mất sau khi loại bỏ chất gây kích thích hoặc được điều trị thích hợp; nhưng, đôi khi những mẩn đỏ có thể tồn tại mãi, đặc biệt là trong trường hợp bị giãn mao mạch.
Ngứa
Da nhạy cảm thường có cảm giác ngứa và căng rát sau khi dùng các sản phẩm có chất tẩy rửa mạnh. Sử dụng nước nóng với mong muốn làm dịu cảm giác nóng rát và ngứa chỉ khiến tình trạng thêm tồi tệ hơn. Đặc biệt da nhạy cảm còn có thể bị ngứa khi gặp không khí lạnh và khô. Gãi không phải là cách hay để ngăn chặn cơn ngứa bởi có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Da khô
Những người có làn da nhạy cảm không chỉ gặp các vấn đề về mụn, mà da cũng có xu hướng khô hơn. Theo Msn, da khô cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự nhạy cảm, bởi da khô không thể bảo vệ tốt các dây thần kinh ở da. Những người có da nhạy cảm thường gặp các vấn đề về da khi thời tiết lạnh, khô hay tiếp xúc với gió. Sử dụng kem dưỡng ẩm có thể giúp bảo vệ da từ các yếu tố của môi trường.
Thường phát ban
Da nhạy cảm phản ứng bằng cách nổi ban đỏ, khô, bong tróc, hoặc sần sùi khi tiếp xúc với chất gây di ứng. Điều này đặc biệt đúng đối với các sản phẩm còn sót lại trên da, chẳng hạn như các loại kem bôi trên mặt. Phát ban có thể gây khó chịu, nóng rát và đôi khi phải dùng thuốc để điều trị mới khỏi.
Dễ bị mụn
Những người có da nhạy cảm rất dễ bị nổi mụn trứng cá, mụn đỏ và cả mụn mủ. Tự ý dùng sản phẩm tẩy mụn hoặc kem không rõ nguồn gốc xuất xứ để điều trị mụn chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Trong trường hợp này, bác sĩ da liễu có thể giúp bạn tìm ra sản phẩm thích hợp để giúp da hết mụn và không gây kích ứng.
Da bong tróc
Nếu da đã khô, lại nhạy cảm, bạn có thể phải đối mặt với hiện tượng da đóng vẩy, và bong tróc như gàu. Đừng bao giờ dùng tay lột lớp da sần sùi ra vì sẽ rất đau đớn, dễ bị nhiễm trùng và thậm chí để lại sẹo.
Da nhạy cảm thường bị kích ứng bởi ánh nắng mặt trời - Ảnh: Shutterstock |
Dễ bị cháy nắng
Làn da nhạy cảm bao giờ cũng nhạy cảm hơn dưới tác động có hại của mặt trời. Vì thế, luôn dùng kem chống nắng mỗi khi ra ngoài trời. Nếu một số thành phần trong kem chống nắng gây ra phản ứng dị ứng, hãy tìm những sản phẩm có chứa thành phần kẽm hoặc titanium dioxide.
Ngọc Khuê