ĐB Nguyễn Thị Nhung (Thanh Hóa) cho rằng, việc đặt tên khai sinh hiện nay khá phức tạp như tên xấu, tên mất thẩm mỹ, tên quá dài, quá phức tạp gây khó khăn trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình cố tình đặt tên họ cho con không phù hợp tập quán, không theo họ của dân tộc. 

 

“Tôi đề nghị luật quy định nguyên tắc đặt tên và họ dân tộc cho con phù hợp tập quán, tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc không phù hợp. Ví dự như người dân tộc Daklay nhưng lấy họ Nguyễn đặt cho con làm phát sinh họ mới gây nhầm lẫn, trái phong tục lâu nay” – ĐB Nhung phản ánh.
Còn theo ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM), hiện nay việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài rất phức tạp, từ giấy tờ hồ sơ đến quá trình phỏng vấn người đến làm hộ tịch. Theo ĐB Nguyễn Văn Minh, giấy tờ cấp bằng tiếng nước ngoài đòi hỏi cán bộ hộ tịch phải có ngoại ngữ mới đáp ứng dược. Điều này được ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đồng tình khi nêu thực tế, việc đăng kí hộ tịch yếu tố nước ngoài có hồ sơ phức tạp hơn, giấy tờ tiếng nước ngoài, quy trình phải thực hiện theo kiểu phỏng vấn nhưng thực tế nhiều trường hợp cả bên nam nữ không có ngôn ngữ chung nên phải có phiên dịch thực hiện. 

“Với cán bộ hộ tịch cấp huyện, nhất là miền núi, trình độ ngoại ngữ còn nhiều bất cập, thuê phiên dịch khó thực hiện được ngay. Vì thế khó đạt được mục tiêu tạo điều kiện cho công dân đến đăng kí hộ tịch”. Với những lý do trên, ĐB Thanh đề nghị giữ nguyên thẩm quyền đăng kí hộ tịch cho cán bộ tư pháp cấp tỉnh chứ không nên giao cho cán bộ cấp huyện. Việc xác minh nhân thân của đối tượng làm hộ tịch có yếu tố nước ngoài cũng nên giao cho công an cấp tỉnh, thành phố thực thi. 

Cũng liên quan đến đối tượng trên, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị bổ sung trẻ sinh ra có yếu tố nước ngoài đối với thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi, chưa xác định họ cha (mẹ). 

“ Mỗi năm có vài chục ngàn phụ nữ VN kết hôn với người nước ngoài. Do nhiều bất đồng nên phụ nữ và trẻ em chịu nhiều bất hạnh. Số trẻ em của hôn nhân nước ngoài trở về VN sống ông bà, người thân ngày càng nhiều, gặp nhiều khó khăn.. Vì thế cần bổ sung đối tượng này nhằm đảm bảo đầy đủ quyền công dân cho trẻ” – ĐB Thủy kiến nghị.

Ý kiến bạn đọc

MINH TRÍ - 

Nhiều năm qua, việc đặt tên không mang tính phổ thông, nên rất khó khăn trong việc giao dịch. Chỉ có người dân địa phương đó mới biết đọc, biết viết tên của từng cá nhân cũng như tên địa danh của địa phương mình, người địa phương khác đến tham quan du lịch không thể nào đọc và nhớ được. Nhất là địa bàn ở các tỉnh tây nguyên như tên huyện Cư M'gar, huyện Cư Kuin, huyện M'Đrăk ..v.v.. thuộc tỉnh Đăklăk , hoặc huyện Kon Plông, Đăk Glei thuộc tỉnh Kon Tum rất khó đọc. Tại sao ta không phiên âm đọc ra như huyện Chư mờ nga, huyện Chư Quin, huyện Ma đờ rắc ..., thì ai cũng đọc được, đồng thời cũng không thay đổi tên địa danh; hoặc họ tên cá nhân như H' Luộc , Y Wang tại sao không phiên âm đọc Hờ Luộc, Y quang…Do vậy, đề nghị cần bổ sung trong Luật quốc tịch có điều khoản được phiên âm tên địa danh cũng như họ và tên của công dân, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giao dịch, tránh sai sót đã xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua. Trong việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, viết không đúng, phải được đính chính nhiều lần mất thời gian của người dân, chính sự việc trên đã gây ra nhiều phiền toái, tiêu cực đã xảy ra trong thời gian vừa qua, khi người dân phải đính chính lại họ tên trong giấy khai sinh và hộ khẩu. MINH TRÍ