Tỉnh chỉ đạo Vườn quốc gia Yok Đôn, các Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao hoặc cho thuê rừng, đất rừng quản lý, sử dụng được xác định là nơi có voi rừng thường xuyên cư trú, tìm kiếm thức ăn, hành lang di chuyển của voi có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn về bảo tồn voi để giám sát, quy hoạch, bảo tồn các sinh cảnh, xây dựng nguồn thức ăn, nước uống cho voi. Tỉnh cũng nghiêm cấm và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể cố tình săn bắn trái phép, gây hại cho voi rừng. Các đơn vị chức năng tổ chức hướng dẫn các tổ, đội bảo vệ và các hộ gia đình sinh sống gần rừng sử dụng các loại vật dụng có tiếng kêu to, đánh trống, gõ kẻng, đốt đất đèn... để xua đuổi đàn voi rừng mỗi khi về phá hoại hoa màu của người dân. Các địa phương cấm người dân vào rừng ban đêm hoặc ngủ lại nương rẫy ở những khu vực có voi rừng về tìm kiếm thức ăn thường xuyên.
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn từ 80 đến 110 con voi rừng, giảm từ 440 đến 470 con so với năm 1980. Chỉ riêng từ năm 2009 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 17 con voi rừng bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, có nhiều con voi rừng bị bắn, bẫy chết do săn trộm lấy ngà./.
Quang Huy