Chương trình tín dụng này có tính nhân văn sâu sắc và được sự đồng thuận của nhân dân. Vậy, đâu là yếu tố quyết định để dẫn đến những thành công này ? Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, nguồn vốn cho học sinh, sinh viên vay trong năm học 2013 – 2014 đã được NHCSXH chuẩn bị như thế nào? Chương trình năm nay có khác gì so với những năm trước?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý: Năm học mới 2013 – 2014 có nét mới so với mọi năm, tăng mức cho vay thêm 100.000 đồng/tháng, sẽ là 1, 1 triệu đồng/học sinh/năm. Dự kiến học kỳ 1 này, chúng tôi cho vay lượng vốn tăng thêm so với trước khoảng 650 tỷ đồng.
Và như vậy, tổng số vốn cho vay học kỳ I khoảng 3.000 tỷ đồng, dự kiến cả năm sẽ cho vay khoảng 5.500 tỷ đồng. Nét mới nữa trong năm nay chúng tôi đã chủ động được nguồn vốn. Nếu như những năm trước, đến kỳ cho vay nào ngân hàng cũng gặp chật vật về nguồn vốn, thì năm nay có thêm yếu tố mới là tăng mức cho vay nhưng vẫn đảm bảo được. Hiện chúng tôi đã chuẩn bị đủ nguồn vốn để giải ngân cho vay học kỳ 1 này.
Với chương trình này, Chính phủ đã đưa ra khẩu hiệu “Không để học sinh, sinh viên nào vì khó khăn tài chính mà phải nghỉ học”. Do vậy, cứ đúng đối tượng là NHCSXH tạo điều kiện, ưu tiên cho vay. Hiện nay các cơ sở của NHCSXH trên toàn quốc đã sẵn sàng, với 203.000 tổ tiết kiệm, gần 11.000 điểm giao dịch tại xã, các phòng giao dịch đã sẵn sàng phục vụ. Thậm chí vào thời điểm nhập học, nhu cầu vay của học sinh, sinh viên cao, chúng tôi sẽ tăng phiên giao dịch.
Phóng viên: Việc thu hồi nợ của các đối tượng vay là học sinh, sinh viên hiện nay được đánh giá là đạt kết quả tốt, đây cũng là thành công lớn của NHCSXH. Vậy, để đạt được kết quả này NHCSXH đã có những nỗ lực gì, thưa ông?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý: Đúng là hiện nay ngân hàng chúng tôi thu nợ rất tốt. Bắt đầu từ 2009 chúng tôi thu nợ, dự kiến năm 2013 thu khoảng 5.500 tỷ đồng, đủ để quay vòng cho vay tiếp trong năm học mới này. Hiện nay nợ quá hạn của NHCSXH chỉ chiếm khoảng 0,46% so với tỷ lệ nợ toàn ngành 0,91%.
Bản chất thu nợ tốt này theo tôi bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân sâu xa là chương trình này đã đáp ứng đúng nguyện vọng của xã hội. Bản thân nó khi đi vào cuộc sống rất nhanh và được toàn thể hệ thống chính trị cũng như toàn thể nhân dân vào cuộc sâu sắc.
Điều đó tác động đến ý thức của người dân. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2006 – 2007 từ chỗ cho sinh viên vay vốn, chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ chuyển sang cho hộ gia đình vay để cho con đi học. Đây chính là điều kiện cố định, kèm theo đó là văn hóa dòng họ, uy tín, truyền thống đùm bọc, ý thức của gia đình nông thôn Việt Nam rất cao. Điều này đã góp phần tạo nên sự thành công trong quản lý vốn của ngân hàng.
Có thể khẳng định, cách quản lý như vậy là điều kiện đủ, bản thân chương trình với những ý nghĩa thiết thực của nó là điều kiện cần để chương trình thành công.
Ngoài ra, gần đây Chính phủ cũng khuyến khích hộ trả nợ trước hạn sẽ được thưởng. Đây cũng là một chính sách rất sáng suốt, khuyến khích người vay trả nợ. Vừa rồi, đã có tới 30 – 40% hộ dân có điều kiện trả nợ sớm trước thời hạn.
Phóng viên: Để Chương trình tín dụng dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, theo ông, cần phải lưu ý đến những vấn đề gì?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý: Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt chương trình này với mục tiêu thu tốt nợ, cho vay đủ, nhanh để chương trình này phát triển bền vững. Hiện tại, NHCSXH vẫn đang tích cực kiến nghị lên Chính phủ làm sao để ổn định nguồn vốn hơn.
Trong tổng số 36.000 tỷ đồng dư nợ cho học sinh, sinh viên vay vốn thì có khoảng 6.000 – 7.000 tỷ đồng là ngân hàng tự chủ động được còn lại là đi vay từ trái phiếu, vay nhà nước… Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số cử tri tại nhiều địa phương cũng như phản ánh từ cơ sở, người vay, mức cho vay cần được tăng thêm nữa.
Cá nhân tôi cũng đồng tình với quan điểm này. Bởi theo tính toán của chúng tôi, chi phí cho một học sinh nông thôn lên thành phố học tại một trường công cao hơn nhiều so với mức các em được vay, trung bình khoảng 3 triệu đồng/học sinh, sinh viên/tháng. Mức 1,1 triệu đồng như hiện nay chưa thể khiến sinh viên yên tâm học tập, nhiều em vẫn phải bươn trải làm thêm. Mức hỗ trợ cho các em hợp lý nhất nên chiếm khoảng 50% tổng chi phí các em phải trả hàng tháng.
Ngoài ra, với một số gia đình ở nông thôn không thuộc diện nghèo nhưng có 2 con đi học, đối tượng này cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên việc mở rộng đối tượng cho vay chưa thể thực hiện được. NHCSXH kiến nghị nên sớm tạo điều kiện cho họ trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!