Gia đình ông Hồ Doãn (ngụ thôn Phú Cường, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có 2,5 ha đất trồng cà phê ở bên bờ sông Krông Nô. Gần đây, hơn 2 sào đất đã bị trôi xuống sông và diện tích đất còn lại không biết bị cuốn đi lúc nào khiến gia đình ông rất lo lắng. Hàng trăm hộ dân khác dọc sông này cũng lâm vào tình trạng như ông Doãn.
Nhiều diện tích đất của người dân đã đổ xuống lòng sông
Những người dân tại đây cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hàng trăm ghe hút cát đang đào bới lòng sông ngày đêm. Vì thế, họ đã gửi đơn phản ánh đến chính quyền địa phương. Thế nhưng, những kiến nghị của họ đã không được giải quyết rốt ráo.
Ông Doãn cho biết cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông trả lời người dân về việc sạt lở là do nhà máy thủy điện hoạt động ở tỉnh Đắk Lắk, sát ranh giới tỉnh Đắk Nông chứ không phải do khai thác cát. “Chỉ trên đoạn sông khoảng 5 km nhưng chính quyền đã cho 4-5 đơn vị khai thác cát với lượng tàu thuyền rất lớn, hoạt động suốt ngày đêm, hút cát sát bờ khiến đất sạt lở. Nguyên nhân sờ sờ trước mắt nhưng sao cứ đùn đẩy, không xử lý” – ông Doãn bức xúc.
Ông Lê Quang Hùng – ngụ tại thôn Phú Cường, xã Đắk Nang – cho biết thêm một đơn vị khai thác cát lớn ở sông này là Công ty TNHH Xuân Bình. Trong giấy phép ghi rõ chỉ được khai thác cát độ sâu 3 m, cách bờ 5 m nhưng thực tế dòng sông này nhiều đoạn đã bị khai thác sâu hơn chục mét.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Mai Thế Viễn, Quản lý Công ty TNHH Xuân Bình, khẳng định công ty khai thác cát đúng quy định của giấy phép. Về nguyên nhân sạt lở, ông Viễn lại đổ thừa do thủy điện Buôn Tua Srah ở thượng nguồn sông đóng mở thất thường. Đồng quan điểm, ông Đàm Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, cũng cho rằng có nhiều nguyên nhân gây sạt lở đất nhưng chủ yếu là do thủy điện làm thay đổi dòng chảy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (quản lý nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah), lại phân tích: “Không phủ nhận trước đây thủy điện có làm sạt lở một số diện tích đất của người dân và chúng tôi có trách nhiệm bồi thường 100%. Sau nhiều năm vận hành, hiện dòng chảy của con sông này đã ổn định nên nói việc sạt lở chủ yếu do thủy điện là không đúng. Nếu thủy điện làm thay đổi dòng chảy thì sẽ có bên lở, bên bồi chứ không thể sạt lở cả 2 bờ, dòng sông ngày càng bị phá rộng nhanh chóng như vậy. Ban đêm, nếu đi trên sông này sẽ thấy có hàng trăm tàu hút cát. Việc khai thác cát quá mức là nguyên nhân chính khiến dòng sông bị sạt lở” – ông Triết nói.
Dân tố bị hăm dọa ngay tại nhà
Nhiều người dân phản ánh khi họ chụp ảnh khai thác cát quá độ ở dòng sông này thì bị người của Công ty TNHH Xuân Bình đòi thu máy ảnh. Có lúc, nhiều người của công ty đi ô tô đến tận nhà hăm dọa.
Trả lời về việc này, ông Mai Thế Viễn lý giải người của công ty có tới nhà người dân nhưng không phải hăm dọa mà để giải thích cho rõ và yêu cầu không cản trở công ty khai thác cát.
Nguồn tin: NLĐ Online