Thế nhưng, hiện nay, ngoài một số phòng học thường được cho lực lượng dân quân, tự vệ mượn tạm để nghỉ ngơi khi vào mùa huấn luyện thì tại các phòng học khác, bàn ghế xếp ngổn ngang, đầy chai lọ, giấy rác.
Phòng nghỉ và sinh hoạt cho học viên ở nội trú cũng rất rộng rãi, kiên cố, nhưng hầu như chưa được sử dụng bao giờ. Vậy mà Trung tâm còn phải mượn thêm một phòng làm văn phòng tại trung tâm huyện nên hầu hết các phòng hiệu bộ luôn khóa cửa im lìm.
Theo thống kê, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm tổ chức được 37 lớp dạy nghề, nhưng số lớp dạy tại cơ sở chính chỉ chiếm khoảng 20%. Không chỉ cơ sở vật chất chưa sử dụng hết công năng mà trang thiết bị cũng không phù hợp và đồng bộ. Trung tâm chủ yếu dạy một số nghề như nông nghiệp, điện, dệt, tin học, sửa chữa máy nổ, nhưng thiết bị học nghề lại là máy may công nghiệp, hệ thống điện cao cấp, nên đành “đắp chiếu” trong kho, không sử dụng đến. Trong khi đó, đối với những nghề được tổ chức dạy thường xuyên theo nhu cầu của học viên địa phương, Trung tâm lại phải thuê thiết bị mỗi khi tổ chức lớp.
Một điều đáng nói nữa là do việc tổ chức các lớp dạy nghề chủ yếu là thuê cơ sở, thiết bị, nên khi không có kinh phí thì Trung tâm hầu như không chủ động được việc tổ chức dạy nghề. Trong năm 2016, Trung tâm hiện vẫn chưa được cấp kinh phí để tổ chức dạy nghề.
Hiện tại, Trung tâm đã tuyển đủ số lượng học viên theo chỉ tiêu giao nhưng vì cả 6 lớp đều đăng ký học nghề nông nghiệp nên phải chuyển giao học viên cho Trung tâm khuyến nông-khuyến ngư huyện. Vì vậy, khả năng năm nay, Trung tâm sẽ không tổ chức được lớp dạy nghề nào.
Theo ông Cao Văn Lạc, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jút thì hàng năm, Trung tâm vẫn luôn thực hiện công tác tuyển sinh. Nhu cầu học nghề của người dân là rất lớn, nhất là những nghề thiết thực đối với đời sống hàng ngày như tin học, điện dân dụng, nông nghiệp… Tuy nhiên, số lượng học viên được tham gia các lớp học nghề ít hơn nhiều so với nhu cầu đăng ký. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến việc tuyển sinh của những năm sau cũng như lòng tin của người dân vào việc học nghề.
Cũng theo ông Lạc, để phần nào khắc phục tình trạng đó, Trung tâm đã nỗ lực tìm đầu ra cho nguồn lao động để mở các lớp dạy nghề dài hạn. Thế nhưng, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn cũng không mấy mặn mà, vì họ sợ nếu liên kết thì sẽ phải trả chi phí đào tạo. Vì vậy, Trung tâm chủ yếu chỉ mở các lớp dạy nghề sơ cấp. Sắp tới, với chủ trương sát nhập Trung tâm dạy nghề huyện với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thì hy vọng công tác dạy nghề sẽ phát huy hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu học nghề ngày càng cao của người dân trên địa bàn.
Nguồn tin: Báo Đăk Nông