Đắk Nông: “Vùng đất chết’’ hồi sinh

Thứ năm - 07/07/2016 04:11 1.418 0
Thôn 11, xã Chư K’nia được gọ là “vùng đất chết’’ vì trước kia toàn khu vực này có đến gần 200 ha đất hoang hóa, chỉ có cây le và cỏ dại là mọc được, còn các loại cây rừng khác rất lưa thưa và còi cọc.

Trước năm 1990, cả khu vực rộng mênh mông, khó tìm thấy một căn nhà, có chăng cũng chỉ một vài cái chòi của dân chăn bò cất để trú nắng về ban ngày.

1467773454-9826-2289-KT-1

Một góc thôn 11 hôm nay

Thời gian sau cũng có dăm bảy tốp người từ miền Bắc bồng bế cả nhà di cư tự do vào huyện Chư Jút với mục đích tìm đất hoang hóa để khai phá, nhưng không chỗ nào còn, nên đành liều “nhảy đại” vào “vùng đất chết” thử sức mình. Người ta cũng dốc công khai phá le, dọn sạch cỏ trồng thử lúa nước vì thấy đất thấp, thế nhưng lúa chỉ mọc lên khoảng hơn một gang tay là sựng lại, sau đó mỗi bông cho được mươi hột.

Lúa thất bại, người ta mua giống khoai môn về trồng, qua đầu mùa khô môn lụi tàn rất nhanh, tất cả đều thất bại. Điều ác nghiệt hơn là nơi đây chỉ chớm mùa khô thì đã không tìm đâu ra nước, giếng đào sâu đến vài ba chục mét cũng chỉ được vài chục phân, nhưng để đến sáng mai thì đã khô cạn đáy.

Chẳng ai hiểu được nguyên do tại sao đất ở đây lại cằn cỗi và khan hiếm nước đến như vậy nên người nào đến rồi cũng đành âm thầm bỏ đi. Mãi đến năm 1995, các cơ quan chuyên môn của Nhà nước mới vào lấy mẫu đất đem phân tích và được biết trong đất có khoảng 40% đất gan gà, 30% là sỏi và 30% là cát trắng mịn. Vì lẽ đó, dù có được đào xới tung lên nhưng chỉ một đám mưa đầu mùa là đất và cát nén xuống rất chặt làm nước không thể thấm xuống sâu được. Do đó, dù có nhiều trận mưa to đến mấy thì nước cũng chỉ chảy theo lối mòn và đổ hết ra con suối Đắk Diêr nằm cách “vùng đất chết” hơn 1 km.

Đến khoảng năm 1998, Sở Nông nghiệp – PTNT đưa cán bộ về khảo sát và quyết định chặn con đập ngay thung lũng phía Bắc “vùng đất chết’’, rồi tốn thêm hàng tỉ đồng nạo vét ở giữa vùng thành một cái hồ lớn, sau đó tạo thêm một nhánh suối “bắt” nước từ suối Đắk Diêr chảy vào và đặt tên hồ là hồ Đắk Nia.

Khi hồ đã có nước, UBND huyện Chư Jút chỉ đạo cho các ban ngành quy hoạch đất xung quanh hồ thành vùng đất trồng cây công nghiệp và ưu tiên cấp cho những hộ là người dân tộc Thái, Nùng, Tày không có đất sản xuất ở thôn 4, thôn 6 xã Chư K’nia đến định canh. Ít lâu sau, nhiều hộ từ các thôn 4, thôn 7, thôn 8 bắt đầu khai hoang toàn bộ diện tích đất hoang hóa dưới trũng khắp 4 phía để trồng lúa, bởi họ tin rằng đủ nước, đủ phân thì lúa sẽ tốt.

Vụ hè – thu năm ấy diện tích lúa toàn khu vực khoảng 50 ha cho thu hoạch 3 – 4 tạ/1.000 m2. Vụ đông – xuân năng suất cao hơn làm ai cũng hồ hởi tranh thủ dốc công, dốc sức cải tạo ruộng của mình bằng phân xanh, phân chuồng nên chỉ vài năm sau năng suất lúa bình quân trong “vùng đất chết’’ đạt tới 5 tấn/ha/vụ.

Cuối năm 2006, Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống mương tưới tiêu dài đến hơn 2.000 m dẫn nước từ hồ Đắk Diêr xuống tận ruộng của các thôn 4, 7, 8 để nông dân làm lúa 2 vụ. Thấy “vùng đất chết’’ thực sự hồi sinh, bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao ở các thôn lân cận thiếu đất tìm đến mua lại ruộng, rẫy của những hộ nhiều đất và lập lên một khu dân cư khá đông đúc.

Chính quyền địa phương đề nghị cấp huyện cho thành lập thêm một thôn gọi là thôn 11. Buổi đầu, tất cả các hộ gia đình mới đến đây chỉ với hai bàn tay trắng và ở trong những căn nhà cột được dựng bằng cây rừng cong queo, mái lợp tranh, vách thưng bằng phên tre…

Thế nhưng chỉ vài năm sau, người dân đã không lo bị thiếu ăn. Khi đã đủ ăn, đủ mặc, nông dân bắt đầu nghĩ ra sáng kiến làm giàu, đất cát pha được đào sâu xuống cả mét như đường giao thông hào. Đào đến đâu người ta mướn xe chở đất đỏ trên những quả đồi cách xa cả cây số về lấp xuống để trồng cà phê, trồng hồ tiêu.

Những năm đầu trồng cây công nghiệp, 100% số hộ ở đây đều không có vốn nên phải làm dần, mỗi năm mỗi nhà chỉ trồng được hơn 100 cây cà phê hoặc 30 đến 50 trụ tiêu. Nhờ kiên nhẫn theo kiểu “kiến tha lâu cũng đầy tổ” mà đến năm 2006 toàn thôn 11 đã có tới 20 ha tiêu, 50 ha cà phê kinh doanh và hơn 100 ha trồng các loại đậu, đỗ, rau màu khác.

Trong khi chờ đợi các loại cây công nghiệp lớn, nhà nông tỉa đậu, bắp xen vào, đến khi thu hoạch trái thì người ta đào những đường rãnh giữa các hàng cà phê sâu từ 50-70 cm dồn thân lá đậu, bắp xuống hố và lấp đất lại cho mục để đất có chất hữu cơ. Từ đó, “vùng đất chết’’ tươi tắn hẳn lên, nhìn đâu cũng thấy màu xanh của cây cối xóa hẳn cảnh đìu hiu, cô quạnh ngày nào.

Cho đến nay, “vùng đất chết” vẫn đang tiếp tục hồi sinh với bạt ngàn cà phê, tiêu… và những ngôi nhà khang trang mọc lên đem đến sự ấm no, hạnh phúc.

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay3,876
  • Tháng hiện tại57,207
  • Tổng lượt truy cập41,237,808
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây