Trang thông tin điện tử Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Júthttps://taichinh.cujut.daknong.gov.vn/uploads/favicon-touch.png
Thứ hai - 25/07/2016 23:467140
Các thương hiệu Mỹ như KFC, iPhone, McDonald’s... đang bị dân Trung Quốc tẩy chay sau phán quyết bác bỏ 'đường lưỡi bò' của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan).
Mua một phần gà rán Kentucky Fried Chicken (KFC) sẽ làm bạn trở thành kẻ phản bội Trung Quốc. Đây là thông điệp mà một số khách hàng KFC ở Đại lục nhận được hồi cuối tuần qua, sau khi PCA ra phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý của “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đặt ra trên Biển Đông.
Thương hiệu KFC không đi kiện Trung Quốc mà là Philippines, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Nhiều người Trung Quốc cho rằng kết quả vụ kiện bị Mỹ thao túng và các cửa hàng gà rán trở thành kẻ thù.
Trước một chi nhánh KFC ở thành phố Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), nhiều người phản đối mang theo cờ, giương băng rôn đỏ có dòng "Tẩy chay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Yêu Trung Quốc. Ăn KFC của Mỹ là làm mất mặt tổ tiên chúng ta”.
Hình ảnh chiếc iPhone bị đập nát trên mạng xã hội Trung QuốcASIAN CORRESPONDENT
Một đoạn video xuất hiện trên nhiều trang mạng xã hội Đại lục cũng cho thấy cảnh một người phản đối bên ngoài nhà hàng cố gắng thuyết phục ba thanh niên không bước vào trong. “Nếu có chiến tranh, mỗi quả bom Mỹ thả ở nước ta đều có phần nào tiền của bạn. Nếu bạn dừng lại, bạn vẫn là người Trung Quốc. Nếu bạn bước vào, khi Mỹ và Philippines khởi động chiến tranh, bạn sẽ là kẻ phản bội”, người này nói.
Ba vị khách tiềm năng sau đó đi chỗ khác. Những đoạn phim trực tuyến khác cũng cho thấy nhiều người kêu gọi tẩy chay còn quấy rối khách hàng bên trong các chi nhánh KFC.
KFC không phải là thương hiệu ngoại duy nhất bị những người có tư tưởng cực đoan nhắm đến từ sau phán quyết của PCA hồi tuần trước. Một số người tự xưng là "yêu nước" kêu gọi ngừng mua giày Nike và điện thoại iPhone, dù smartphone này được lắp ráp ở Trung Quốc. Họ cũng kêu gọi tránh ăn hamburgers ở McDonald’s và xoài khô có xuất xứ từ Philippines.
Sau phán quyết Biển Đông, báo Forbes của Mỹ đăng tải bài viết với tựa đề "Trung Quốc không thể viết luật trên Biển Đông" vì một lý do hiển nhiên vừa được tòa án quốc tế công nhận: "Biển Đông không phải là biển Trung Quốc".
Phương tiện truyền thông Đại lục cho biết cư dân mạng nước này đang bày tỏ sự bất mãn với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực bằng cách đăng hình iPhone bị đập nát lên mạng, kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ.
Một người bán xoài trên trang thương mại điện tử Taobao gửi "thông điệp" đến khách mua trực tuyến: “Tôi yêu Trung Quốc. Cấm bán xoài khô Philippines. Mỗi người đều có trách nhiệm với số phận của dân tộc. Hãy để người Philippines chết đói”.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu cửa hàng KFC ở quốc gia đông dân nhất thế giới là mục tiêu của đợt tẩy chay. Thương hiệu gà rán Mỹ xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 1987 và hiện có hơn 5.000 chi nhánh. Phát ngôn viên hãng Yum Brands, công ty mẹ của KFC, cho hay công ty “không làm gì sai” và chỉ là “nạn nhân”.
“Những người đang làm thế này không hiểu yêu nước thật sự là gì”, phát ngôn viên Yum Brands nói, từ chối cho biết tên họ. Cô cho hay doanh nghiệp mình đã đi xa trong việc “địa phương hóa” hoạt động ở Trung Quốc. Bất kỳ đợt tẩy chay thương hiệu KFC lâu dài nào cũng có thể tác động lớn đến Yum Brands, công ty còn sở hữu thương hiệu Pizza Hut và Taco Bell. Trung Quốc đã và đang là nguồn thu lớn nhất cho hãng thức ăn nhanh Mỹ.
Học giả nổi tiếng của Trung Quốc Lý Lệnh Hoa có bài viết kêu gọi nước này phải nghiêm túc đối diện phán quyết của tòa án quốc tế về Biển Đông.
Hồi tháng 7.2012, tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về một số đảo nhỏ không người ở trên biển Hoa Đông cũng khiến nhiều người Trung Quốc phản đối, bắt đầu bằng việc kêu gọi tẩy chay ô tô Nhật Bản trên mạng và ăn cắp phim từ các trang web khiêu dâm nước bạn. Nhiều người sau đó còn đổ ra đường, đập phá xe hơi Nhật, tấn công các nhà hàng Nhật và cửa hàng tiện dụng 7-Eleven, thương hiệu do công ty Nhật sở hữu.
Năm đó, chính quyền Trung Quốc dường như để yên và khuyến khích một số cuộc biểu tình phản đối. Những người tuần hành trên đường có Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh cho biết họ được cho nghỉ ngày hôm đó.
Tòa trọng tài thường trực ngày 12.7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò và cái gọi là “căn cứ lịch sử” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Đây là kết quả cuối cùng của quá trình thụ lý kéo dài 3 năm do Tòa án trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) tại The Hague, Hà Lan đối với đơn kiện của Philippines chống yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Phán quyết được đưa ra trong văn bản dài gần 500 trang được phân thành 5 điểm chính yếu.
Thứ nhất, PCA khẳng định cái gọi là “quyền lịch sử” của yêu sách đường lưỡi bò không phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đồng thời, dù các ngư dân và các nhà hàng hải Trung Quốc, cũng như các nước khác về lịch sử đã sử dụng các đảo ở Biển Đông nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc từng thực hiện độc quyền kiểm soát các vùng biển thuộc Biển Đông cũng như không có cơ sở pháp lý nào để đòi hỏi quyền lịch sử đối với tài nguyên bị gom vào đường lưỡi bò.
Thứ hai, về quy chế của các thực thể trên Biển Đông, tòa xác định các thực thể ở quần đảo Trường Sa không tạo cho Trung Quốc cơ sở để đòi quyền về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa.
Thứ ba, tòa cho rằng Trung Quốc đã có các hành động vi phạm luật pháp và quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough.
Thứ tư, phán quyết khẳng định việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo đã gây hủy hoại nghiêm trọng và không thể khắc phục các rạn san hô trong khu vực, phá hủy các cấu trúc tự nhiên ở Biển Đông, vi phạm nghĩa vụ bảo vệ hệ sinh thái biển. Theo thông cáo của PCA, tòa nhận thấy giới chức Trung Quốc có biết tình trạng ngư dân nước này đánh bắt quy mô lớn các loại rùa biển, san hô và trai đang trong tình trạng nguy cơ cao ở Biển Đông, sử dụng phương pháp đánh bắt gây hủy hoại nghiêm trọng đối với các môi trường rạn san hô, nhưng không chấp hành cam kết ngăn chặn, chấm dứt các hành động này.
Điểm cuối cùng là Trung Quốc làm nghiêm trọng thêm cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa lúc các bên đang nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề.