Đây là những thông tin chính thức, từ Hội nghị về thực trạng biển miền Trung sau thảm họa Formosa được dư luận nhân dân cả nước chờ đợi.
Chính phủ đã thực hiện lời hứa trả lời những câu hỏi chính đáng của nhân dân. Hoan nghênh Bộ trưởng đã để thông tin được đến với dân một cách rộng rãi, minh bạch, khách quan.
Những thông tin được công bố rộng rãi ấy có tác dụng giải tỏa rất lớn khi đằng sau sự chờ đợi là miếng ăn, là sinh kế, là tương lai của hàng ngàn gia đình, hàng vạn người dân.
Vài tiếng sau khi thông tin được công bố, báo chí đã ghi nhận ý kiến ngư dân miền Trung sau gần 5 tháng điêu đứng vì không thể đi biển, hải sản không có người mua. Đó tất nhiên là sự phấn khởi. Là hy vọng.
Ngư dân, nhân dân muốn tin điều đó, và thôi thì, cũng buộc phải tin vào điều đó. Gác lưới, treo thuyền đã quá lâu rồi. Bụng đã đói và có nơi, đã có những đứa trẻ thất học.
Formosa quả nhiên đã để lại những hậu quả khủng khiếp: Cuối tháng 4, không có một con cá nào sống dưới đáy biển tại các điểm khảo sát ven bờ. Tháng 5, 100% các rạn san hô có dấu hiệu bị tẩy trắng... Có lẽ, những con cá chết chỉ là một biểu hiện cho sự nhiễm độc còn phải mất rất nhiều thời gian mới có thể
hoàn nguyên.
Và giờ đây, các chỉ số xyanua đã giảm xuống dưới mức cho phép, phenol trong nước biển dù còn nhưng hàm lượng đã giảm đáng kể. Và giờ đây, số liệu quan trắc cho thấy cá nhỏ đã sống lại dù ăn được hay chưa thì cần phải có Bộ Y tế vào cuộc.
Có một chi tiết rất đáng chú ý: Trong hội nghị hôm qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Miền Trung sẽ có cả thép, cả cá, và cả môi trường biển xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Người dân sẽ xem đó như một lời hứa, một cam kết, thưa Bộ trưởng!
Một lời hứa để không bao giờ phải nghe lại câu hỏi: Chọn thép hay chọn cá? Một lời hứa để những người có trách nhiệm phải đắn đo trước những con số, những viễn cảnh dễ làm lóa mắt. Và một cam kết không đổi môi trường lấy tăng trưởng, lấy ngoại tệ dù đó là bao nhiêu, dù với giá nào. Nhưng lời cảm ơn hôm nay, xin được dành cho tự nhiên, xin được dành cho biển cả. Dẫu người ta chẳng nạo vét, chẳng nuôi trồng thủy sinh, chẳng trung hòa... chẳng làm bất cứ biện pháp xử lý môi trường nào nhưng thủy triều, nhưng biển cả đã làm quá tốt nhiệm vụ tự nhiên của mình, để trả biển sạch về cho dân.
Nguồn tin: Lao động