Trường phái ngoại giao đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, hơn 70 năm qua, ngoại giao Việt Nam đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định vai trò của đối ngoại là một phương thuốc hòa bình, thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp.
Tổng Bí thư hoan nghênh và biểu dương những thành tựu của toàn ngành ngoại giao trong nhiều năm qua. Hoạt động đối ngoại cũng góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; ngành ngoại giao đã đóng vai trò tiên phong trong thời bình, góp phần bảo vệ an ninh, độc lập và chủ quyền đất nước. Hội nhập quốc tế được triển khai mạnh và hiệu quả, trên tất cả các kênh gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, ngoại giao nhân dân, diễn ra trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đối ngoại cũng đóng góp thiết thực và việc tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đàm phán thành công các hiệp định thương mại tự do... Công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có những chuyển biến rõ rệt; các cơ quan đại diện đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công dân, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của cộng đồng.
Dĩ bất biến, ứng vạn biến
Nhấn mạnh ý nghĩa rất quan trọng của hội nghị ngoại giao lần này, Tổng Bí thư nêu rõ hội nghị diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, hai sự kiện đã để lại những bài học vô giá về vị trí, vai trò của ngoại giao trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Hội nghị là dịp để nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về công tác đối ngoại, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XII và đề xuất các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm trong những năm tới. Tổng Bí thư căn dặn các cán bộ ngoại giao phải nắm vững và áp dụng nhuần nhuyễn các bài học rút ra từ quá trình triển khai hoạt động đối ngoại, làm sao phải kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc với nghĩa vụ quốc tế; lợi ích quốc gia dân tộc lúc này là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi. “Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo vấn đề, tuỳ từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ đối ngoại chỉ thành công khi xây dựng được sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Sự nghiệp thành công bởi chữ đồng”. “Mang chuông đi đánh xứ người” là một công việc rất khó khăn và vất vả, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt của người làm công tác đối ngoại. Những nỗ lực trên mặt trận đối ngoại thời gian qua đã tạo ra lớp lớp thế hệ cán bộ đối ngoại ngày càng hội đủ tố chất vừa hồng vừa chuyên” - Tổng Bí thư nói.
Phát huy “sức mạnh mềm”, tạo thương hiệu quốc gia
Ngoài việc khẳng định ngoại giao cần góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao thực lực và vị thế của Việt Nam, không chỉ là sức mạnh vật chất mà cả “sức mạnh mềm”. “Thành bại của ngoại giao tùy thuộc vào thực lực và vị thế. Thực lực và vị thế ở đây không chỉ thể hiện trong sức mạnh vật chất mà cả trong sức mạnh mềm” - Tổng Bí thư nói.
Giải thích về “sức mạnh mềm”, Tổng Bí thư chỉ rõ đó là tính chính nghĩa trong sự nghiệp; là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.
Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu trong triển khai cần hết sức chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống và các nước lớn, củng cố đoàn kết và nâng cao vai trò của ASEAN, tăng cường hợp tác với nước lớn trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Ngoại giao cũng cần đi đầu, phát huy “sức mạnh mềm” của Việt Nam, đó là các giá trị văn hóa, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. “Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên “thương hiệu” cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới - Tổng Bí thư nói.
Cuối cùng, Tổng Bí thư nhấn mạnh bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước; đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm việc theo gương nhà ngoại giao lỗi lạc Hồ Chí Minh, để nhạy bén trong nhận định và nắm bắt tình hình, quyết đoán trong việc đưa ra các biện pháp, chính sách cụ thể.
Nguồn tin: Lao động