|
Các dịch vụ nhận đặt hàng từ các nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc... thường trao đổi với người mua thông qua các diễn đàn, trang mạng cá nhân hoặc trên mạng xã hội Facebook. Người mua sẽ gửi đường dẫn (link) trên web về sản phẩm mình cần mua, đồng thời trả tiền trước 80 - 100% trị giá món hàng cần mua. Khi hàng về, người mua sẽ trả đủ tiền hàng cộng tiền vận chuyển (thường tính theo cân nặng của món hàng) từ các nước về Việt Nam. Người nhận đặt hàng sẽ lấy tiền công từ 5-10% và hưởng thêm chênh lệch từ tỷ giá ngoại tệ hoặc từ tiền vận chuyển...
Hầu hết người nhận đặt hàng đều có “đại lý” là người nhà sinh sống tại những nước, khu vực bán hàng. Khi có đơn hàng từ trong nước gửi qua, những “đại lý” ở nước ngoài sẽ đặt hàng và các hãng giao hàng đến “đại lý”, sau đó họ gửi hàng về Việt Nam. Cách này không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển (mỗi lần gửi về nhiều món hàng), mà còn giúp giải quyết tình trạng một số trang bán hàng tại các nước không nhận giao hàng đến Việt Nam, hoặc không chấp nhận cho thanh toán từ địa chỉ ở Việt Nam... Thời gian đặt hàng từ các nước về đến Việt Nam kéo dài từ 3-4 tuần. Nếu quá thời gian thỏa thuận mà chưa có hàng, người nhận đặt hàng sẽ trả lại tiền cho người mua.
Chiêu “ôm” tiền của khách
Dịch vụ đặt hàng qua mạng thời gian qua đã góp phần đáp ứng khá tốt nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Hầu hết các đầu mối nhận đặt hàng làm ăn khá uy tín. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những trường hợp lợi dụng dịch vụ này để chiếm đoạt tiền của khách. Đầu tháng 8 vừa qua, diễn đàn mạng Lamchame.com xôn xao về việc gần cả trăm người bị lừa với tổng số tiền ước tính ban đầu hơn 300 triệu đồng. Theo đó, nick name Me_vu, chuyên nhận đặt hàng Tây Ban Nha đã không giao hàng cho nhiều người mua từ trước đó, thậm chí có nhiều người đặt mua từ tháng 5 nhưng đến cuối tháng 7 vẫn chưa nhận được hàng. Liên lạc qua điện thoại, diễn đàn thì nick Me_vu đều đưa ra nhiều lý do như “hàng chưa về kịp”, “mình ốm” hay “con ốm chưa giao hàng được”, “hàng bị giao nhầm sang cho người khác, phải đợi thêm để chuyển trả lại”...
Theo nhiều người đặt hàng từ Me_vu, trước khi việc bị vỡ lỡ, nick name này đã thường xuyên trao đổi, mua lại hàng hóa của một số người trên diễn đàn Lamchame.com nên tạo được niềm tin. Khi mở dịch vụ nhận đặt hàng Tây Ban Nha, thời gian đầu Me_vu cũng trả hàng đúng hẹn; món nào không mua được thì trả lại tiền người mua nên không ai nghi ngờ. “Me_vu đã tính toán từ trước, gây dựng lòng tin sau đó chiếm đoạt tài sản của khách”, chị Phương Mai, một nạn nhân của Me_vu nhận định.
Tìm hiểu kỹ trước khi đặt hàng
Sau vụ Me_vu ôm tiền của khách, nhiều người nhắc nhở nhau là chỉ nên đặt hàng qua những dịch vụ lâu năm mình đã thường xuyên sử dụng, tìm hiểu kỹ trên diễn đàn về uy tín của dịch vụ nhận đặt hàng... và tốt nhất là phải biết rõ địa chỉ thực ngoài đời của dịch vụ. “Quan trọng nhất là khi muốn đặt hàng quốc tế qua mạng, nếu là khách lần đầu tiên đặt hàng thì bạn nên mua thử 1-2 món có giá trị thấp. Sau khi đã tìm hiểu đầy đủ thông tin về người nhận đặt hàng cũng như quá trình giao dịch, thấy đủ tin cậy thì mới nên tăng giá trị hàng cần đặt”, chị Phương Mai tư vấn.
Không chỉ mua hàng quốc tế, một chuyên gia về thương mại điện tử cho biết ngay cả mua hàng trong nước qua mạng cũng có thể gặp rủi ro do người mua luôn phải trả tiền trước rồi nhận hàng sau. Bởi vậy, cẩn trọng tìm hiểu dịch vụ này trước khi đặt hàng luôn là điều kiện tiên quyết để hạn chế rủi ro cho bản thân người mua. “Đặc biệt, đừng ham giá rẻ bất ngờ mà đặt hàng ngay, bởi đây có thể là một cái bẫy được giăng ra để lừa tiền người mua”, chuyên gia này lưu ý.
Thảo Vy
Nguồn tin: Thanhnien