Trình bày tờ trình dự thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết: Luật Đầu tư công quy định toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, công trái, trái phiếu, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)… để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.
Công trình bỏ hoang, không ai chịu trách nhiệm
Người đứng đầu Bộ KH-ĐT tự tin khẳng định: “Tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công xuất hiện chủ yếu từ khâu quyết định chủ trương đầu tư. Do vậy, luật sẽ quy định thẩm quyền và trách nhiệm quyết định chủ trương đầu tư”.
Ông Vinh nêu dẫn chứng: Công trình đường ven biển miền Trung không có người sử dụng, hàng loạt chợ dân sinh, trung tâm thương mại tại cửa khẩu… bỏ hoang nhưng không ai chịu trách nhiệm.
“Công trình thủy lợi dự tính cung cấp nước cho 1.000 ha nhưng làm xong chỉ phục vụ được 500 ha rồi đổ lỗi do thiết kế sai. Đó là ngụy biện” - ông Vinh gay gắt.
Ngoài ra, điểm mới của dự luật là quy định vốn phải đạt 80% mới triển khai dự án, tránh tình trạng cấp vốn nhỏ giọt, kéo dài, gây lãng phí. “Dự án mấy chục ngàn tỉ đồng quyết định một phát xong ngay, đến lúc không có tiền vẫn phải lao theo. “Vẽ” đường ra để “chạy”, rồi “treo” đến 10-15 năm không làm nổi” - Bộ trưởng nêu thực tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu giá trúng thầu và thanh toán không là một thì không chống được tham nhũng Ảnh: TTXVN
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu dự luật phải đạt mục tiêu giá trúng thầu và giá thanh toán là một. Một giá sẽ tránh chuyện điều chỉnh triền miên, chỉ điều chỉnh giá thanh toán trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai. Không để như hiện nay, trúng thầu 100 tỉ đồng, khi thanh toán lên đến vài trăm tỉ đồng là bình thường. Dự luật không giải quyết được vấn đề này sẽ không chống được tham nhũng.
“Luật phải buộc chặt, quyết định đầu tư không trúng, ai là người chịu trách nhiệm” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị đối với các hành vi bị cấm cần thêm mục thay đổi giá thành, thanh toán cao hơn so với đấu thầu.
Hạn chế việc thay đổi quy hoạch xoành xoạch
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xây dựng. Góp ý về dự luật quy định thưởng vượt tiến độ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu, nêu việc đường cao tốc vành đai 3 (Hà Nội) làm xong xin thưởng 197 tỉ đồng nhưng chỉ sau 10 tháng thông xe lại có vấn đề. Trong dự thảo luật có quy định hoàn thành vượt tiến độ được thưởng 5% tổng khối lượng hoàn thành. Như vậy, nếu dự án trị giá 10.000 tỉ đồng thì 5% sẽ rất lớn. Ông Giàu đặt vấn đề nếu có thưởng thì cũng phải quy định phạt chậm tiến độ.
Góp ý dự luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quy định cấp phép xây dựng phải cụ thể hóa trong luật vì hiện nay, việc cấp phép xây dựng rất tùy tiện.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế việc cấp phép khai thác mỏ như “cứ ký rồi không ai chịu trách nhiệm”. “Vụ ông bán thịt chó tại Nghệ An cũng có giấy phép đào mỏ do người khác bán lại, dẫn đến sập mỏ chết người. Ông cấp phép có biết không” - Chủ tịch QH nói.
Góp ý về nội dung quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: Dự luật chưa làm rõ việc hạn chế tình trạng quy hoạch thay đổi xoành xoạch như vừa qua. Tán đồng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải gắn trách nhiệm người ký ban hành quy hoạch.
“Bộ trưởng Bộ Xây dựng không quản lý được đô thị đâu nếu cấp phép như hiện nay. Nhà mặt tiền 2 m cũng cấp phép xây dựng tới 7 tầng”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
CẦN SỚM KHẮC PHỤC LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ CÔNG Trong những năm qua ở nước ta việc đầu tư công các công trình không dứt điểm, kéo dài, chất lượng quá kém như tuyến đường quốc lộ 1a một số đoạn đường, cầu mới hoàn thành đưa vào sử dụng năm trước thì năm sau đã bị hư hỏng xuống cấp và không ai chịu trách nhiệm. Đồng thời việc đầu tư không tập trung dứt điểm quá kéo dài thời gian như tuyến đường quốc lộ 14 đoạn từ Thành phố Buôn ma thuột đến thị xã Đồng xoài tỉnh Bình phước không biết bao giờ mới hoàn thành đưa vào sử dụng, nên không phát huy được hiệu quả, đây chính là sự lãng phí rất lớn trong xã hội. Để có thể khắc phục tình trạng thi công các công trình xây dựng, giao thông kém chất lượng trong thời gian vừa qua xin nêu một số giải pháp như sau: Trước tiên trong Luật đầu tư công và Luật xây dựng cần phải xác định rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát công trình, đây là những đơn vị chủ công trong việc quyết định đến chất lượng công trình, tiến độ thi công. Đối với các Chủ đầu tư kiên quyết không để các đơn vị thi công đã từng thi công công trình chất lượng kém tham gia đấu thầu, cần ưu tiên cho các đơn vị nhà thầu nào có nhiều công trình đạt chất lượng được dư luận xã hội và các bộ ngành chức năng công nhận. Không phải đơn vị nào tham gia đấu thầu bỏ giá thấp là được trúng thầu, cấm tuyệt đối các đơn vị trúng thầu lại không thi công mà bán, chuyển nhượng lại gói thầu cho đơn vị khác thi công lấy hoa hồng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình kém chất lượng. Do vậy cần sớm sửa đổi luật đấu thầu để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay. Để đảm bảo chất lượng công trình bền vững, đơn vị thiết kế cần phải chú ý đến kết cấu công trình chịu đựng được vận chuyển tải trọng nặng, tùy theo địa hình thổ nhưỡng đất đai mà thiết kế loại vật liệu gì cho phù hợp. Đối với các Đơn vị tư vấn giám sát phải giám sát phải hết sức khách quan trung thực, thường xuyên có mặt tại hiện trường. Có như vậy mới có chuyển biến đối với chất lượng các công trình giao thông. Đối với Đơn vị thi công đây là đơn vị có tính quyết định đến chất lượng công trình, đòi hỏi đơn vị thi công phải có lương tâm và trách nhiệm của mình. Thứ hai: Trong Luật đầu tư công và Luật xây dựng cần quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị chuyên ngành quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra chất lượng công trình, phải xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị thi công thiếu trách nhiệm để công trình kém chất lượng, thu hồi giấy phép vĩnh viễn đối các nhà thầu thiếu trách nhiệm, cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó cần tăng cường vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cũng như cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với các công trình đang thi công, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng công trình thi công kém chất lượng, chống thất thoát, lãng phí xây dựng đường giao thông như hiện nay. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên hy vọng trong thời gian đến chất lượng công trình giao thông xây dựng sẽ được tốt hơn. MINH TRÍ