Quốc lộ 14, đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông được đầu tư mở rộng, nâng cấp, tạo thuận tiện cho việc lưu thông, đi lại. Ảnh: Đức Diệu |
Đã mang một diện mạo mới
Trên cơ sở chiến lược phát triển đất nước, đầu năm 2010, Bộ Giao thông - Vận tải đã xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Đây chính là cơ sở quan trọng để tạo nên một diện mạo mới cho khu vực trong phát triển hạ tầng giao thông, lĩnh vực mà trước đó được xem là chưa mấy được quan tâm so với các khu vực khác trong cả nước.
Từ đây, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này vào Tây Nguyên tăng mạnh. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, tổng số vốn đã bố trí và huy động đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ ở khu vực Tây Nguyên là khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng, tăng gần 40% so với giai đoạn 2005-2010 và vượt hơn 9 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Nhiều tuyến đường huyết mạch, mang tính liên vùng được đầu tư, nâng cấp, tạo thuận tiện cho việc giao thương, đi lại.
Giai đoạn từ 2011 - 2015, ngành Giao thông - Vận tải ưu tiên đầu tư toàn bộ trục đường Hồ Chí Minh (quốc lộ14) qua Tây Nguyên dài 663 km, đi qua bốn tỉnh gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và kéo dài đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Trong đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành 110 km. Giai đoạn 2 dài 553 km, với tổng mức đầu tư 16.828 tỷ đồng, đã và đang được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và hình thức BOT.
Ngoài quốc lộ 14, dự kiến đến hết năm 2015, 320 km tại các tuyến quốc lộ 19, 24, 25, 27, 28 với tổng mức đầu tư hơn 7,1 nghìn tỷ đồng sẽ hoàn thành. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015 cũng được quan tâm đầu tư với số vốn huy động khoảng 28.440 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ khoảng 14 nghìn tỷ đồng. Hạ tầng giao thông Tây Nguyên đã và đang tạo được diện mạo mới, thuận tiện trong lưu thông, đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nói riêng, cả nước nói chung.
Một đoạn quốc lộ 19 đi qua thành phố Pleiku (Gia Lai). Ảnh tư liệu |
Cần cơ chế đầu tư đặc thù
Tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng theo đánh giá tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ III, tổ chức tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, giao thông Tây Nguyên vẫn chưa được đầu tư xứng tầm so với tiềm năng, lợi thế cũng như mục tiêu, yêu cầu phát triển. Hạ tầng giao thông hiện vẫn chưa mang tính đồng bộ, thiếu tính đa dạng vì chủ yếu mới chỉ chú trọng đến vận tải đường bộ, còn đường sắt, đường hàng không, đường thủy chưa thực sự được quan tâm.
Mặc dù hiện khu vực có 3 cảng hàng không gồm: Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Pleiku (Gia Lai) nhưng phát triển khá chậm. Trong khi đó, một số mạng lưới giao thông được xem là giá rẻ như đường thủy hoặc đường sắt thì không hoặc chưa được đầu tư. Lưu thông hoặc vận chuyển hàng hóa trong khu vực hiện vẫn chủ yếu bằng đường bộ nên giá thành khá cao so với cả nước. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế thu hút đầu tư vào Tây Nguyên.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến khu vực Tây Nguyên cần huy động khoảng 65 nghìn tỷ đồng để đầu tư đồng bộ các đoạn tuyến còn lại theo thứ tự ưu tiên với chiều dài khoảng 1.380 km, gồm các quốc lộ: 14C, 19, 27, 25, 24, 26, 28, 29, 55, 28B, 40, 40B và tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Bên cạnh đó, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn cũng sẽ phấn đấu 100% đường huyện, 70% đường xã được cứng hóa mặt đường bằng nhựa hoặc bê tông xi măng; đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V; đường xã đạt tiêu chuẩn cấp VI; 50% đường thôn xóm được cứng hóa mặt đường, đạt loại A trở lên; tối thiểu 50% trục chính đường nội đồng được cứng hóa mặt đường.
Theo định hướng đến năm 2030, Nhà nước sẽ nghiên cứu, xây dựng đường sắt nối các tỉnh Tây Nguyên phục vụ khai thác, sản xuất alumin, nhôm và kết nối với các cảng biển, dài khoảng 907 km gồm đoạn Đắk Nông - Chơn Thành để kết nối với đường sắt xuống cảng Thị Vải, phục vụ khai thác bô xít dài 67 km; đoạn Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột dài 169 km; đoạn Đắk Nông - Bình Thuận 121 km và Đà Nẵng - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước dài 550 km; khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84 km.
Đối với đường thủy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu khai thác giao thông đường thủy nội địa các sông Sê San, Sêrêpốk và các hồ nước do các đập thủy điện tạo ra phục vụ vận tải và du lịch.
Mặc dù nhu cầu về đầu tư hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới là khá lớn nhưng theo Bộ Giao thông - Vận tải thì khả năng vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ rất eo hẹp, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Vì vậy, nếu Chính phủ không có một cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực đầu tư thì hạ tầng giao thông khu vực Tây Nguyên sẽ khó hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Hà An
Nguồn tin: Báo Đăk Nông