Không sợ thiếu thị trường, đối tác “chơi bẩn” hay môi trường kinh doanh khắc nghiệt, giới doanh nhân Việt đang sợ nhất nạn cửa quyền, nhũng nhiễu, tình trạng cán bộ công quyền hạch sách, “làm chính sách” để hành doanh nghiệp (DN)…
Cam chịu cán bộ cửa quyền
Với ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, điều mà doanh nhân ngán nhất là nạn cửa quyền của một bộ phận cán bộ.
“Tôi không lo thị trường bất động sản khó khăn, không lo khó vay ngân hàng bởi những cái đó nếu biết tính toán thì vượt qua hết. Cái chúng tôi lo nhất lại nằm về phía cơ quan công quyền. Có một số việc chúng tôi tiên phong thực hiện, được người dân, xã hội chấp nhận. Nhưng thay vì hướng dẫn áp dụng quy định cho phù hợp thì cán bộ chức năng bắt bẻ sai chỗ này, thiếu chỗ nọ, tìm cách quy kết chúng tôi làm không đúng luật để gây khó khăn” - ông Nghĩa dẫn chứng.
Ông Nghĩa cho rằng ông không “quơ đũa cả nắm” nhưng làm việc với một số cán bộ cơ quan nhà nước thực sự còn cực hơn nhiều so với quan hệ đối tác bởi luôn phải ở thế cam chịu.
“Có khi chúng tôi gửi công văn đến cơ quan nhà nước nhưng họ không giải quyết, cứ ngâm đó; đến lúc hỏi thì họ bảo chưa nhận được. Gặp những chuyện như vậy, tức đến mấy cũng phải “ngậm bồ hòn”. Chưa kể, nhiều cán bộ cứ kiếm chỗ nào DN sơ hở hoặc luật chưa có quy định để “bới lông tìm vết”, đến nỗi chúng tôi nản mà muốn bỏ hết” - ông Nghĩa than vãn.
Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành còn cho biết nhiều trường hợp như đi khiếu nại, thay vì giải quyết thắc mắc chuyện A, cán bộ lại trả lời lòng vòng rồi đẩy sang chuyện B. Có cán bộ sợ trách nhiệm, cứ “đá” lòng vòng từ người này sang người khác trong khi theo quy định, họ có thể giải quyết được ngay.
Cũng nói về cán bộ cơ quan ban - ngành gây khó, ông Nguyễn Thế Dũng, giám đốc một công ty tư vấn xây dựng, cho biết ông phải tuyển cả chục người chỉ để làm mỗi việc quan hệ với cán bộ của các địa phương; chi phí “bôi trơn” chiếm tới 10% doanh thu từ các công trình, dự án.
“Vì muốn nhanh, muốn cho mọi việc thuận lợi nên buộc phải “cảm ơn”. Nhưng có khi “cảm ơn” rồi họ lại “quên”, cứ thế phải “chạy” tiếp” - ông Dũng bộc bạch.
Mệt mỏi vì bị “nắm tóc”
Từng gắn bó với hoạt động kinh doanh ở một số DN nhà nước, nay đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Băng Tâm cho rằng vấn đề lớn nhất mà doanh nhân lo lắng là rủi ro về chính sách. Chẳng hạn, chính sách về tỉ giá, lãi suất hay quy định hành chính đã ban hành nhưng sau đó hồi tố khiến DN không trở tay kịp. “Không đâu như ở Việt Nam, chính sách, quy định pháp luật liên tục thay đổi, tạo ra áp lực rất lớn cho DN” - ông Tâm nhận xét.
Theo ông Tâm, vấn đề gây phiền hà nhất đối với DN là cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào DN qua việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra. DN dù có hoạt động tốt đến mấy cũng bị làm khó bằng cách này hay cách khác. Trong khi đó, vai trò quản lý nhà nước chưa phát huy hiệu quả trong việc tạo ra sự công bằng trong kinh doanh. Một số cơ quan chức năng không làm hết trách nhiệm, để hiện tượng gian lận thương mại xảy ra quá nhiều khiến DN làm ăn chân chính dù có tiềm lực mạnh cũng khó chống chọi nổi.
“50 DN làm tốt không thể địch nổi với 20-30 DN chụp giật. Họ không cần làm sản phẩm chất lượng ISO, không cần có chứng nhận về môi trường hay quy chuẩn nào hết, chỉ cần nhái sản phẩm rồi tung ra thị trường. Trong thực thi chính sách, pháp luật, chúng ta chưa làm tốt việc kiểm soát hàng hóa, chống gian lận thương mại. Hàng nhái, hàng dỏm tràn lan đang bóp chết DN chân chính” - ông Tâm bức xúc.
Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty sản xuất mũ bảo hiểm cho biết hàng kém chất lượng, giá rẻ tràn ngập đường phố nhưng cơ quan chức năng không kiểm soát được. Trớ trêu là chính những DN có thương hiệu đàng hoàng lại bị thanh tra, kiểm tra thường xuyên.
“Kiểu quản lý “nắm người có tóc” làm chúng tôi mệt mỏi. Không phải 100 sản phẩm chúng tôi làm ra đều đúng 100%, chính vì một tỉ lệ rất nhỏ sai sót mà chúng tôi bị hành lên hạ xuống” - vị tổng giám đốc này bày tỏ.
Kỳ tới: Không sợ khổ, chỉ sợ... thuế!
Ông Trần Văn Sơn, đại diện Công ty Hạt Điều Gia Bảo:
Trong nước bị hành, ra nước ngoài gặp khó
Có vài điều mà tôi thấy lo ngại trong môi trường kinh doanh hiện nay ở Việt Nam.
Thứ nhất, chi phí vận chuyển hàng hóa cao. Nếu so với Thái Lan, Malaysia, chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan hay Singapore... cao hơn gấp đôi. Ví dụ, chúng tôi xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường biên mậu, chi phí mỗi hộp sản phẩm phải gánh 0,38 USD. Mức chi phí vận chuyển này là quá cao so với sản phẩm cùng loại xuất từ Thái Lan, chỉ với 0,15 USD. Ở các thị trường Pháp, Mỹ…, chúng ta chủ yếu xuất qua đường hàng không, chi phí còn cao hơn nhiều. Chi phí vận chuyển cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng theo, sức cạnh tranh giảm xuống.
Thứ hai, sự liên kết của DN khi ra thị trường quốc tế còn quá hạn chế. Cá nhân tôi và vài DN khác luôn lẻ loi khi xuất bán hạt điều ra nước ngoài. Trong khi đó, các DN Thái Lan biết cách hợp sức, cùng thống nhất chung một giá bán ở mức cạnh tranh hơn.
Thứ ba, chúng ta thua nước ngoài về thương trường. Các DN lớn của Trung Quốc rất mạnh về vốn nên ngay từ đầu, họ đã có kế hoạch làm chủ cuộc chơi và tạo ra cuộc chơi. Họ ra sức thu gom hàng nguyên liệu khi thấp điểm để chế biến và dự trữ đến khi cao điểm bung ra thị trường.
Thứ tư, chúng ta phản ứng chậm đối với thông tin “hàng của Việt Nam, xuất xứ từ Việt Nam chất lượng không tốt, không ổn định” xuất phát từ các nhà nhập khẩu đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Singapore. Vì vậy, hiện nay, khi Việt Nam xuất khẩu hàng vào các thị trường này, hải quan phía họ cũng kiểm soát chất lượng vô cùng gắt gao.
Những yếu kém, hạn chế trong xuất khẩu hàng hóa đang là thách thức lớn đối với DN Việt Nam. Áp lực đối với doanh nhân là rất lớn bởi làm ăn trong nước vốn đã khó, vươn ra nước ngoài càng khó hơn.
Nguồn tin: NLĐ Online