Không sợ khổ, chỉ sợ… thuế!

Thứ tư - 14/10/2015 04:41 745 0
Chuyện doanh nghiệp đi hoàn thuế bị cơ quan thuế làm khó với những lý do không đâu xảy ra như cơm bữa
 

Lúc hội họp, giao lưu với nhau, lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) ít khi than thở vì giá xăng, điện, gas tăng hay làm ăn khó khăn mà thường xoay quanh những nỗi khổ từ “trên trời rơi xuống”.

Khó như hoàn thuế!

Chuyện Công ty Thép Khương Mai bị cơ quan thuế “hành” làm nóng hội trường buổi đối thoại giữa DN với Cục Thuế TP HCM cuối tuần qua. Ông Đinh Công Khương, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty, cho biết công ty “xin” hoàn thuế GTGT 2,65 tỉ đồng cho lô thép xuất đi Campuchia từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hồ sơ hoàn thuế lần đầu bị trả về vì lý do tồn kho cao, lỗ nhiều, ngân sách eo hẹp.

Đến tháng 4 vừa rồi, trình bày trực tiếp với lãnh đạo Cục Thuế TP HCM, ông Khương được hướng dẫn làm lại hồ sơ để cơ quan thuế xem xét. Không biết việc xem xét thế nào mà đến nay, cơ quan thuế vẫn chưa hoàn thuế cho công ty ông trong khi theo quy định phải giải quyết trong vòng 45 ngày. “15 năm hoạt động, chúng tôi chưa nộp thuế chậm đồng nào nhưng cơ quan thuế chậm hoàn thuế cho tôi gần 5 năm rồi. Giờ chúng tôi “bệnh” nặng, sắp chết, muốn lấy tiền của chính mình “trị bệnh” nhưng sao khó quá!” - ông Khương bức xúc.

 

Doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Cũng tại buổi đối thoại này, hàng loạt bức xúc của DN liên quan đến chuyện hoàn thuế bị làm khó với vô số lý do đã được nêu ra. Theo các DN, chuyện hồ sơ hoàn thuế bị cơ quan thuế từ chối hoặc giảm mức hoàn bởi những lý do “trên trời rơi xuống” như hóa đơn đầu vào của DN đối tác đã ngừng hoạt động, hồ sơ mua bán hàng hóa thiếu hợp đồng, hóa đơn đầu vào bị loại ra vì không hợp lệ… xảy ra như cơm bữa khiến họ chỉ biết cắn răng chịu thiệt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, thẳng thắn cho rằng doanh nhân Việt không sợ khó, không sợ khổ nhưng rất sợ… thuế! “Năm năm trước, công ty tôi thuê xe của công ty khác, chẳng may công ty đó lập hóa đơn giả, đến lúc cơ quan thuế phát hiện thì chủ DN đã bỏ trốn nên “đè” công ty tôi ra phạt.

Tôi thắc mắc trách nhiệm của cơ quan thuế, quản lý thị trường, chính quyền địa phương ở đâu khi không kiểm soát được công ty vi phạm mà buộc DN khác phải gánh hậu quả. Phạt như vậy chẳng khác nào tôi đi đường bị móc túi, trình báo công an thì công an không phạt tên móc túi mà quay lại phạt tôi tội mang túi ra đường! Lần đó, cả tiền thuế thu nhập DN cùng với số tiền bị truy thu hóa đơn giả, phạt lãi suất…, chúng tôi thiệt hại nặng nề” - ông Nguyễn Văn Mỹ kể.

Đúng hay sai vẫn… tốn

Tại các buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP HCM, nhiều doanh nhân ví von quan hệ giữa DN với cơ quan thuế chẳng khác nào… cá với thớt. Nữ giám đốc một công ty truyền thông còn so sánh cán bộ thuế giống như CSGT, hễ tuýt còi DN nào thì DN đó dù có nắm chắc luật và làm đúng luật thì cũng phải tốn tiền; chưa kể hàng loạt phiền hà rắc rối phát sinh.

Theo vị giám đốc này, Bộ Tài chính có thông tư quy định DN phải làm công văn xin phép thì mới được in hóa đơn GTGT. Do không cập nhật quy định nên công ty của bà in và sử dụng hóa đơn GTGT mà không xin phép. Hơn 1 năm sau, công ty quyết toán thuế thì cơ quan thuế thông báo sai phạm, phạt và yêu cầu thu hồi hóa đơn.

“Vì hóa đơn đã xuất cho khách hàng, khách hàng cũng đã báo cáo thuế nên việc thu hồi rất khó khăn, uy tín công ty bị ảnh hưởng. Chúng tôi “chạy” tất cả các cửa nhưng cuối cùng vẫn phải đi thu hồi hóa đơn đã xuất, chịu phạt, tốn kém đủ đường!” - nữ giám đốc than.

Hay như trường hợp một DN khác phải chịu “lót tay” để mở lại mã số thuế dù lỗi không thuộc về mình. Giám đốc DN này trần tình: “Công ty tôi đóng ở quận 12, trên địa bàn có 4 địa chỉ giống nhau. Chúng tôi hoạt động bình thường, đến kỳ báo cáo thuế mới té ngửa vì bị cơ quan thuế khóa mã số thuế với lý do DN không tồn tại, biến mất khỏi địa bàn. Chúng tôi bị oan nhưng vẫn phải “lót tay” để xin mở lại mã số thuế. Cán bộ thuế nhận tiền nhưng vẫn đòi phạt, yêu cầu thu hồi hết hóa đơn đã xuất thì mới mở lại mã số thuế. Chúng tôi khiếu nại, phân tích rõ lỗi thuộc cơ quan thuế vì không xác minh rõ ràng trước khi khóa mã số thuế. Cuối cùng, chúng tôi được vận động rút đơn khiếu nại, cơ quan thuế mở lại mã số thuế mà không phạt hay yêu cầu thu hồi hóa đơn”.

Việc bị cơ quan thuế hành chỉ là một ví dụ rõ ràng nhất về nỗi khổ của DN, doanh nhân Việt khi “đụng” đến cơ quan công quyền. Thực tế không chỉ thuế mà hầu hết các lĩnh vực hải quan, xuất nhập khẩu, cấp phép… đều có những kiểu “hành” khác nhau, buộc DN phải “biết điều” thì chuyện làm ăn mới suôn sẻ.

Mặc cả, chung chi quyết toán thuế

Chuyện chung chi quyết toán thuế đã trở thành luật bất thành văn, không DN nào quyết toán thuế mà không phải chung chi. Theo các DN, nguyên nhân của tình trạng này là do quy định về thuế quá nhiều, quá phức tạp, ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm rất mong manh, tùy thuộc vào phán xét của cán bộ thuế chứ không có sự minh bạch, rõ ràng. “Mỗi lần quyết toán thuế là mỗi lần mặc cả với cán bộ thuế, nếu không thỏa thuận thì thời gian quyết toán kéo dài, hồ sơ bị khó dễ và bị “moi” đủ thứ chuyện và số tiền phải nộp sẽ nhiều hơn. Kết quả là sau mỗi cuộc mặc cả, số tiền DN nộp về ngân sách nhà nước ít đi; có khi chỉ bằng 1/3 số tiền phải nộp theo quy định và 2/3 còn lại chảy vào túi riêng của cán bộ thuế” - giám đốc một DN xin giấu tên thổ lộ.

 

Kỳ tới: Sáng đúng, chiều sai…!

Thanh Nhân

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay3,796
  • Tháng hiện tại70,731
  • Tổng lượt truy cập41,251,332
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây